Phóng viên Liên Liên.
Những
lần "thót tim" ở rốn lũ Quảng Bình
Phùng Hiệp là một trong
những phóng viên trẻ của Ban Thời sự Đài THVN thường trú tại Quảng Bình, người
đã đóng góp hàng loạt phóng sự nóng trong đợt lũ lụt như: Vỡ đê Bắc
Trạch; Giải cứu 132 hành khách tại
ga Lệ Sơn; Tìm thấy 4 thuyền viên mất
tích, trôi dạt tại Quảng Bình… Để có được những hình ảnh nóng, đắt giá trên
sóng truyền hình, Phùng Hiệp và anh em trong ê-kíp cũng đã có nhiều phen thót tim. Anh còn nhớ vụ thoát nạn khi đi qua trận lốc xoáy tại xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới. Ê-kíp vừa
di chuyển khoảng 15 m, bất ngờ một cây bạch đàn to khoảng gần 2 người ôm
bất ngờ đổ sập xuống, chắn ngang đường, rất may, cả ê-kíp và người dân đã kịp
di chuyển trước đó chưa đầy 1 phút.
Trong chuyến đi đón đầu đưa tin về
bão lũ, cả đoàn đã bị cô lập hoàn toàn giữa mênh mông biển nước. Đó là buổi
sáng 14/10, khi cơn lũ vẫn chưa về, ê-kíp của Phùng Hiệp di chuyển lên phía Tây
Quảng Bình, thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa để phản ánh tình trạng mưa gây
ngập, chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Mưa to, đất đá ven đường sạt lở tràn lan,
rất may không ai trong đoàn bị làm sao.
Đến đoạn ngập trên đường mòn Hồ Chí
Minh, do mưa lớn kéo dài, nên nước trên núi đổ xuống rất mạnh. Để có thể ghi
được những hình ảnh ấn tượng nhất, họ cùng các đồng nghiệp Thông Tấn Xã, Truyền
hình Nhân Dân, VOV... xếp hàng tạo thành cái trụ, giữ chặt cho quay phim đứng
vững ghi hình. Bên dưới chân họ, nước đã ngập ngang gối và chảy rất xiết, chỉ
cần một sai sót nhỏ, rất có thể sẽ bị lũ cuốn đi.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của
các đồng nghiệp đã từng tác nghiệp bão lũ nhiều năm tại Quảng Bình, họ đã làm
tốt và có những hình ảnh ấn tượng về sức tàn phá của mưa lũ nơi thượng nguồn
các con sông tại Quảng Bình.
Phóng viên quay phim Anh Dũng tác nghiệp tại điểm chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh.
Khi trở lại trung tâm TP Đồng Hới, do lũ về
quá nhanh, cả đoàn đã bị nước bao vây mọi ngả đường. Hầu hết các làng bản nơi
thượng nguồn, thuộc khu vực xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch bị ngập sâu trong
nước. Không thể đi qua sau gần 2 tiếng thử hết mọi con đường. Tin bài đã quay,
nhưng mất điện toàn bộ khu vực, không có mạng, sóng 3G không có để truyền tin
bài về, cả đoàn rất lo lắng. Và họ quyết tâm, bằng mọi cách phải ra khỏi vùng
bị chia cắt, bởi theo kinh nghiệm, thì những ngày sau, lũ sẽ còn lên cao hơn, ở
lại cũng rất nguy hiểm.
Trước tình thế đó, người dân đã chỉ cho đoàn công tác
một con đường, dài khoảng 400 - 500 m, là con đường duy nhất để có thể lội
qua lúc này. Phùng Hiệp đã quyết định, để xe ô tô và máy quay ở lại, cất xe lên
vị trí cao của một nhà dân, cho máy tính cuốn 2 lớp áo mưa vào cái xô, để máy
tính không bị ngập nước, bảo vệ toàn bộ dữ liệu mưa lũ đã ghi hình cả ngày. Sau
đó, 3 anh em trong ê-kíp bám sát nhau lội qua con đường đã bị ngập sâu tới
ngang ngực.
Trước khi lội qua, rất may họ đã kiếm được một cây gậy dò đường
tránh các hố sụt, họ bấu vào nhau di chuyển. Điều đáng nói, khu vực họ lội qua
chính là nghĩa địa, những vòng hoa còn mới, cứ trôi dạt quanh người, thật ám
ảnh.
Sự đoàn kết đã giúp họ vượt qua con đường ngập sâu đó để ra được
bên ngoài vùng chia cắt, nhờ xe địa phương trở về trung tâm và cập
nhật ngay tình hình mưa lụt trên sóng truyền hình tới người dân cả
nước. Sau khi nhìn lại những ngày đi bám lũ, Phùng Hiệp chia sẻ anh chưa từng
trải qua chuyến tác nghiệp nào lại nguy hiểm như trận lũ lịch sử này. Rất may,không có sự cố nào xảy ra và rất nhiều bài học, kinh nghiệm đã được rút ra
cho bản thân.
42 tiếng liên tiếp... không ngủ ở vùng rốn
lũ Hương Khê
Phóng viên Liên Liên đã sát cánh cùng bà
con vùng lũ của nhiều huyện ở Hà Tĩnh trong 1 tuần, nhưng tập trung chủ yếu ở
vùng rốn lũ huyện Hương Khê. Có thể kể đến các phóng sự của chị như: Mưa lũ ở
Hà Tĩnn, Trắng đêm với người dân vùng lũ, Thủy điện xả lũ, Hà Tĩnh vẫn ngập
sâu, Bộ NNPTNT kiểm tra tình hình mưa lũ miền Trung, Bộ Công thương kiểm tra
quy trình xả lũ Thủy điện Hố Hô; Hà Tĩnh khắc phục sau mưa lũ....
Phóng viên Liên Liên tại vùng rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Ở thời điểm đỉnh lũ, vào khoảng 20h,
Liên Liên có đề xuất với huyện Hương Khê hỗ trợ thuyền để vào ghi nhận cuộc
sống của bà con vùng lũ ban đêm. Khi nghe đề xuất của chị, mọi người khá bất
ngờ bởi chưa ai đi vào vùng lũ ban đêm, rất nguy hiểm. Việc đi lại vô cùng
khó khăn do mưa to, biển nước mênh mông, rất khó có thể định hướng được đường vào,
các vật cản như dây diện, tường, hàng rào nếu đi sai hướng thì hỏng thuyền và
có gọi người hỗ trợ cũng rất khó chỉ đường. Tuy nhiên, cuối cùng huyện vẫn quyết định
nhờ thêm hỗ trợ của bộ đội để đưa ê-kíp phóng viên vào với bà con vùng lũ. Khoảng
23h đoàn mới xuất phát, vào đến nơi là sắp bước sang… ngày mới.
Bất chấp hiểm nguy, phóng viên Liên Liên
đã dũng cảm đến được vùng rốn lũ để có thể ghi lại được kịp thời những hình ảnh
của bà con đang chống chọi với thiên tai. Tinh thần hết mình vì cộng đồng đã
khiến chị làm việc quên mệt mỏi. Trong đợt bám lũ này, Liên Liên đã lập kỉ lục
42 tiếng liên tiếp… không ngủ - "Tôi đi từ 5h sáng ngày hôm trước đến 22h đêm
ngày hôm sau mới ngủ. Phải thức trắng đêm vì khi quay đêm xong còn làm hậu kỳ
cho các bản tin sáng, sau đó tiếp tục đi quay tiếp cho các bản tin chiều tối. Mặc
dù vô cùng mệt nhưng khi truyền tải được những hình ảnh thực tế của bà con vùng
lũ để người dân cả nước hiểu được những mất mát mà người dân miền Trung đang phải
gánh chịu do cơn lũ, tôi đã thấy rất ấm lòng".
Chuyện ám ảnh ở bản Rào Con
"Điều
khiến tôi không thể nào quên khi tác nghiệp tại vùng lũ Quảng Bình, đó là hình ảnh
người dân phải vật lộn đối phó với lũ, bà con phải ngồi trên nóc nhà của mình
chờ cứu hộ, sự bất lực khi thấy tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước... Và có lẽ,
hình ảnh ám ảnh tôi nhất là một em bé ở bản Rào Con nhai ngấu nghiến gói mì
tôm khi vừa nhận được từ đoàn cứu trợ của tỉnh đoàn Quảng Bình. Có lẽ do quá
đói sau nhiều ngày bị cô lập bởi tuyến đường độc đạo bị ngập nước và sạt lở.
Lúc đó, những thành viên trong đoàn nhìn nhau và không nói nên lời, vừa hạnh
phúc vừa chua xót"- Phóng viên Minh Tây chia sẻ.
Phóng viên tác nghiệp ở bản Rào Con, cùng ăn ở với bà con.
Là một phóng viên thời sự khu vực miền
Trung, trong đợt tác nghiệp lũ lụt này, anh đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn
để đến được với bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Khi nhận
thông tin gần 60 hộ dân người Vân Kiều ở bản Rào Con bị cô lập nhiều ngày do
mưa lũ, ê-kíp của Minh Tây đã cố gắng tiếp cận qua tuyến đường độc đạo nhưng
không thể vào được, bởi nhiều vị trí trên đường bị ngập sâu, nước chảy xiết và
nhiều điểm bị sạt lở... gây ách tắc. Bản Rào Con không có điện, không có sóng
điện thoại nên không thể liên lạc được, chỉ biết bà con đang rất cần lương thực...
"Tôi trăn trở đã không ngủ được, vừa lo thực hiện tin bài, vừa ám ảnh bởi những
suy nghĩ phải tìm cách để giúp đỡ bà con. Sau đó, chúng tôi đã liên lạc với tỉnh
đoàn Quảng Bình để chuẩn bị hàng cứu trợ, lên kế hoạch tiếp cận bản" - phóng viên Minh Tây kể lại.
Ngay ngày hôm sau, ê-kíp của Minh Tây đã
trở lại con đường dẫn vào bản Rào Con cùng với đoàn cứu trợ. Lúc này những vị
trí ngập đã rút nước, nhưng vẫn còn nhiều điểm sạt lở, đường lầy lội, khiến việc
đi lại rất khó khăn. Phải mất 3 giờ đồng hồ, đi xe máy và đi bộ khoảng 10 km,
nhiều lúc họ nghĩ không thể đi tiếp, nhưng rồi, động lực khiến cả đoàn đã đến
được với bà con. Lúc đó, họ gần như kiệt sức và không thể liên lạc được với bên
ngoài do không có sóng điện thoại.
Minh Tây chia sẻ: " Nhìn những nụ cười của
người dân trong bản khi đón nhận những gói mì tôm, những chai nước uống... sau
nhiều ngày bị cô lập, chúng tôi thật sự thấy ấm lòng. Trong hôm đó, chúng tôi
đã không thể kịp tiến độ tin bài, coi như là không hoàn thành nhiệm vụ...,
nhưng thấy vui bởi đã thực hiện được tâm nguyện là cứu trợ được cho bà con. Khi
trở về, cũng chừng đấy những khó khăn phải vượt qua, nhưng cảm thấy nặng nề hơn
trong bước chân, vì nghĩ đến những khó khăn mà người dân bản Rào Con vẫn còn đối
mặt, bởi cuộc sống bản còn nghèo, không có điện, lại thường xuyên bị chia cắt mỗi
khi mưa lũ. Cũng mong rằng, bà con sẽ sớm có đường, có điện".
Dầm mình trong mưa thực hiện chương trình "Oằn mình chống lũ"
Khi
bà con còn đang oằn mình chống lũ, tại vùng tâm lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương
Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đã diễn ra buổi truyền hình trực tiếp tới khán giả cả nước
những hình ảnh chân thực, xúc động nhằm đem đến bức tranh toàn cảnh về trận lũ
mà người dân miền Trung đã phải gánh chịu. Để đảm bảo chương trình được thông
sóng trong cơn mưa to, ê-kíp sản xuất của những người làm thời sự khu vực miền
Trung của VTV đã trải qua rất nhiều khó khăn để vận chuyển thiết bị máy móc, với
nhân sự hàng chục con người vượt qua các con đường còn ngổn ngang bùn lầy, chia
cắt để đến được vùng rốn lũ Phương Mỹ. Sân của UBND xã Phương Mỹ chật kín người -
những người dân lam lũ hơn sau trận lụt lớn.
Chưa bao giờ khán giả truyền hình được
xem những hình ảnh xúc động đến thế, ban tổ chức, khán giả và cả khách mời phải
mặc áo mưa để tham gia chương trình. Nhiều người đã đội mưa hàng tiếng đồng hồ
chờ đợi được gặp gỡ khán giả cả nước. Dẫu mưa lớn, các thiết bị máy quay, màn hình led đều phải mặc
áo mưa, ê-kíp tổ chức sản xuất vẫn quyết tâm giữ sóng truyền hình được thông suốt.
Trong chương trình Oằn mình chống lũ, khán giả cả nước đã được nhìn lại toàn cảnh diễn
biến đợt mưa lũ vừa qua, chương trình cũng không quên đề cập tới những nỗ lực của
người dân trong vùng lũ để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời cũng
ghi nhận vai trò của các nhà từ thiện, doanh nghiệp, các đoàn thể và chính quyền
địa phương trong quá trình giúp đỡ người dân nơi đây vươn lên, gượng dậy sau
lũ.
Đúng với mục tiêu ban đầu khi thực hiện chương trình, Oằn mình chống lũ đã thực sự trở thành cầu nối để khán giả cả nước
cùng chia sẻ với những mất mát của người dân miền Trung nói chung, người dân Hà
Tĩnh nói riêng. Khi phát sóng trực tiếp, chương trình đã tạo hiệu ứng rất tốt.
Có lẽ, hình ảnh MC Trần Long đầu trần, quần áo ướt sũng nước mưa dẫn chương
trình hàng tiếng đồng hồ cùng với đông đảo bà con Phương Mỹ, khách mời dầm mưa... làm nên một chương trình đầy ý nghĩa đã gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước.
Và những hình ảnh biết nói
Hàng chục nghìn nhà cửa tại các tỉnh Nghệ
An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị nhấn chìm, nỗi đau không thể nguôi ngoai
của những gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân trong dòng nước lũ; Những tuyến
đường bị nước lũ chia cắt, những em nhỏ, cụ già ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ,
toàn bộ tài sản bị cuốn trôi… Phóng viên ngồi trên thuyền dẫn hiện trường tay
chạm vào nóc một ngôi nhà bị ngập sâu trong 6-7 mét nước; phóng viên đồng hành
cùng những người lính đi cứu giúp đồng bào… Đó là những hình ảnh biết nói phát
sóng liên tục trên các kênh sóng VTV1 và VTV8 do chính đội ngũ phóng viên thời
sự bất chấp hiểm nguy lao vào vùng rốn lũ thực hiện, khiến người xem không khỏi
xót xa trước những mất mát mà đồng bào miền Trung phải
gánh chịu.
Ê-kíp VTV cùng Tỉnh đoàn Quảng Bình tặng quà cứu trợ cho bà con bản Rào Con.
Cơn lũ qua đi, những phóng viên thời sự lại tiếp tục bám sát hiện trường, thực hiện tiếp những tin bài về các chuyến cứu trợ, về khó khăn
của bà con… để tiếp tục nhân lên những nghĩa cử cao đẹp. Làm thế nào để kêu gọi mọi người, trong đó có
cả các kiều bào khắp nơi trên thế giới hướng về miền Trung, hướng về Quảng Bình
là những điều mà các phóng viên luôn đau đáu, hi vọng. Họ luôn tin tưởng vào
tình người, tin vào truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của
dân tộc mình. Từ trong sâu thẳm, họ không mong muốn người dân miền Trung sẽ phải
tiếp tục nhận cứu trợ trong những năm tới nữa. Bởi họ mong muốn, lũ lớn sẽ
không về nữa, thiên tai sẽ dần ít đi, để bà con nơi đây bớt nghèo, bớt khổ, sẽ tự làm giàu trên quê hương mình, không cần phải nhận cứu trợ.
Tinh
thần đồng lòng, đồng sức vì cộng đồng đó cũng chính là tinh thần xuyên suốt
những ngày nước sôi lửa bỏng này của đội ngũ làm thời sự THVN.
Lũ
chồng… lũ
Khi chưa kịp quên những tháng ngày chìm trong nước
lũ để cập nhật những hình ảnh mới nhất, chân thật nhất tới khán giả, các phóng
viên lại tiếp tục tác chiến với cơn lũ tiếp theo những ngày đầu tháng 11. Những
vùng rốn lũ của Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị lại bị nhấn chìm trong biển nước.
Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập và cô lập. Sau chưa đầy nửa tháng, lần nữa phóng
viên Liên Liên lại lặn lội đến vùng sâu xa nhất của Hà Tĩnh là xã Phương Mỹ,
huyện Hương Khê.
Nhóm phóng viên Phùng Hiệp lại tìm mọi cách để
tiếp cận xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch - địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình
bị cơn lũ thứ 3 cô lập hoàn toàn. Nhóm phóng viên tiếp cận hiện trường từ rất sớm,
bởi gần rạng sáng nước lũ tràn về, chủ tịch xã đã gọi báo tin. Phương tiện duy
nhất của họ là chiếc đò cũ và rất nhỏ, bề rộng chỉ đủ cho 1 người ngồi trong
khi nước chảy rất xiết. Lo lắng vì chìm đò hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên,
họ đã vẫn lên đò với áo phao.
"Sau hơn 30 phút di chuyển, chúng tôi đã tiếp cận
dần với các làng đã ngập sâu hết. Hình ảnh khiến chúng tôi ám ảnh là một bà cụ
trò chuyện với chúng tôi sau cánh cửa sổ. Nước ngập sâu hơn nữa, thì người phụ
nữ đó chỉ còn đường leo qua mái nhà để thoát ra. Một kỉ niệm mà chúng tôi muốn
quên đó là khi đi nhờ xe của các đồng nghiệp, tới đoạn đường đầy bùn. Dù đã đi
rất chậm, nhưng lớp bùn quá trơn khiến ô tô bị trượt bánh lao xuống cánh đồng.
Rất may chiếc xe không bị lật hoàn toàn nên mọi người… thoát nạn" - phóng viên Phùng Hiệp chia sẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!