Quán thanh xuân: Lời tri ân gửi đến những con người kết nối viễn thông, tình người

PV-Thứ hai, ngày 14/09/2020 09:53 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện về chiếc điện thoại từ thời mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam cho tới nay đã được các khách mời Quán thanh xuân kể lại với rất nhiều cảm xúc.

Quán thanh xuân tháng 9 có tên gọi Alo, Quán thanh xuân xin nghe!, mang tới cho khán giả những câu chuyện, kỷ niệm của các khách mời và khán giả, cho thấy sự phát triển của ngành viễn thông song hành với sự phát triển của đất nước, giúp con người gần lại với nhau, đồng thời nhắc nhở chúng ta về giá trị lớn nhất của sự kết nối - Kết nối tình người.

Cuộc sống vất vả nhưng yên bình thời chưa có điện thoại

Thời đó, điện thoại thường chỉ có trong phim ảnh, hoặc trong trò chơi "nối bao diêm" của trẻ em. Muốn nói chuyện với nhau phải gặp mặt, muốn gọi điện thoại phải hẹn trước. Bởi thế mới có chuyện, nghệ sĩ Minh Vượng và Minh Hoà đạp xe từ Lò Đúc xuống Mai Dịch để gọi bạn diễn, lên đến nơi thì mất show vì muộn giờ. Hoặc là ở các vùng quê, thường có một cán bộ bưu cục làm nhiệm vụ đưa thư và nhận đánh điện đi các nơi. Hay là muốn gọi điện phải ra bưu điện xếp hàng mỏi chân, nói chuyện riêng mà cả xóm nghe thấy… Cho đến thập kỷ 80, trước thời đổi mới, dịp Tết, tất cả các bốt điện thoại đều kín người, cả gia đình từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM để gọi điện liên tỉnh, vừa nói được câu "Má à" là cả nhà bật khóc...

"Những ngày chưa có điện thoại với chúng tôi là cả một trời thương nhớ" - nghệ sĩ Minh Vượng tâm sự - "Những năm từ 1988 đến 1991, tôi có một người yêu học ở Nga nên hẹn nhau đúng 12h đêm Chủ nhật hàng tuần gọi điện cho nhau. Hồi ấy, phải yêu ông bảo vệ như yêu người yêu mình, mua quà nịnh nọt để đến đúng giờ được mở cửa cho nghe ké điện thoại".

Quán thanh xuân: Lời tri ân gửi đến những con người kết nối viễn thông, tình người - Ảnh 1.

Điện thoại bàn thâm nhập vào cuộc sống

Điện thoại bàn lúc đó ưu tiên lắp cho các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và cán bộ từ cấp Cục, Vụ, Viện... trở lên. Với người dân, rất ít gia đình được lắp đặt. Ở các tỉnh, thành phố, thị xã còn hiếm hơn nữa. Trên cả nước, bình quân là 300 người dân mới có 1 thuê bao điện thoại.

Điện thoại bàn là một vật dụng xa xỉ ở thập kỷ 90. Có không biết bao câu chuyện xoay quanh cái điện thoại bàn, như vấn nạn gọi "chùa" điện thoại cơ quan với những hoá đơn dài dằng dặc cần truy tên xem của ai, chủ nhân những cuộc điện thoại giá cao ngất ngưởng có khi còn bị trừ cả thi đua.

Quán thanh xuân: Lời tri ân gửi đến những con người kết nối viễn thông, tình người - Ảnh 2.

Thông tin di động xuất hiện manh nha gắn liền với hình ảnh của máy nhắn tin. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh chiếc máy nhắn tin với tin nhắn không dấu được các khách mời chia sẻ tại Quán thanh xuân tháng 9.

Từ điện thoại "cục gạch" đến các thế hệ điện thoại di động phong phú của những năm sau này

Cuối thập kỷ 90, sự xuất hiện của những chiếc điện thoại to, với màn hình đen trắng, gợi nhớ đến hình ảnh "cục gạch". Thời điểm 1999-2000, để sở hữu chiếc điện thoại này, phải chi khoảng 4 triệu đồng, tương đương mức chi tiêu vài tháng của một gia đình bình thường. Cước phí mỗi phút gọi điện thoại di động lúc bấy giờ "bay" luôn 1 bát phở. Với vài chục phút liên lạc, chủ nhân của một thuê bao phải tốn gần chỉ vàng. Đương nhiên, điện thoại di động bấy giờ có thể đo đẳng cấp của người giàu, người có chức, có nhiệm vụ , để "giải quyết khâu oai"… Như nghệ sĩ Minh Vượng cho biết, ở Nhà hát của chị, người đầu tiên có điện thoại di động là chị Minh Hoà, anh Chí Trung rồi đến chị. Mà điện thoại di động cũng chỉ là để nhận cuộc gọi đến là chính. Giá cước và sóng điện thoại thời bấy giờ khiến điện thoại di động trở thành một thứ xa xỉ. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đã chia sẻ với khán giả của Quán thanh xuân về khái niệm "vùng phủ sóng".

Quán thanh xuân: Lời tri ân gửi đến những con người kết nối viễn thông, tình người - Ảnh 3.

Trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến như ngày hôm nay, ở những nơi đặc biệt như đảo xa, những thông tin như vợ sinh con, gia đình có việc... phải cả tháng sau mới đến được với chiến sĩ. Điện thoại di động ra đời không còn chỉ là một phương tiện liên lạc, nó là "bà mối" kết nối tình yêu. Bên cạnh đó, câu chuyện mang internet phổ cập ở Việt Nam qua Viettel (2003) được chính người trong cuộc, tiến sĩ Mai Liêm Trực kể.

Ngày xưa, phải thật xa, thật lâu mới liên lạc được với nhau, nên mối liên hệ đó trở nên rất đáng quý, đáng mong chờ. Giờ đây một cú click có thể kết nối thì thay vì tiếp xúc trực tiếp, người ta có thói quen dùng những ngôn ngữ "không cảm xúc" với nhau. Gần mà lại thành xa là như vậy.

Quán thanh xuân: Lời tri ân gửi đến những con người kết nối viễn thông, tình người - Ảnh 4.

Tuy nhiên, giá trị kết nối của điện thoại di động luôn có ý nghĩa lớn lao. Với nhà báo Ngô Bá Lục tết vừa qua là lần đầu tiên kết nối Facetime với mẹ 90 tuổi. NSUT Minh Vượng: Trong giai đoạn Covid, bản thân là người có bệnh nền, phải nghiêm túc giãn cách xã hội, các phương tiên kết nối đã giúp chị có một nhịp sống "bình thường mới". Hoặc là câu chuyện do ông Mai Liêm Trực kể về chiếc thuyền gặp nạn năm 2008, trên thuyền có 7 thuỷ thủ thay phiên nhau sử dụng chiếc điện thoại để liên lạc về, giúp cứu nạn cứu hộ thành công. Các phương thức truyền tin đã bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Ngoài đường truyền di động, internet, các giải pháp công nghệ của xã hội số đang giúp con người có cuộc sống tiện ích hơn, kết nối nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Dù các phương thức ngày càng hiện đại, nhưng có những giá trị không bao giờ thay đổi và cần được giữ gìn, đó là Kết nối tình thân giữa con người và con người. Viễn thông và Công nghệ thông tin giúp chúng ta thay đổi cuộc sống, lưu giữ cuộc sống, kết nối con người, kết nối tình thân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước