Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD

Đ.H-Thứ năm, ngày 20/09/2018 05:57 GMT+7

VTV.vn - Ở tập 12 Shark Tank Việt Nam, muốn biến cây xăng thành trạm sạc, Shark Hưng quyết giành giật để bắt tay với startup năng lượng xanh Power Centric.

Vô vàn những điều bất ngờ đã diễn ra trong tập 12 chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ. Người xem không chỉ hào hứng với màn ra mắt của "cá mập" Đặng Hồng Anh, Tân Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, mà còn được chứng kiến 2 thương vụ đầu tư bạc tỷ đích thực đến từ hai "cá mập" là Phó chủ tịch CenLand Phạm Thanh Hưng và Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.

Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD - Ảnh 1.

Thương vụ ấn tượng nhất tập 12 Shark Tank Việt Nam đến từ nhà sáng lập Ngọc Minh của công ty Power Centric. Định cư tại Hoa Kỳ từ nhỏ nhưng Ngọc Minh luôn ấp ủ ước mơ về nước khởi nghiệp vì muốn tạo ra giá trị cho xã hội. Power Centric là công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất công nghệ năng lượng xanh như pin và hệ thống lưu trữ máy phát điện. Đến tham gia Shark Tank cùng giám đốc điều hành Power Centric, Ngọc Minh mời chào nhà đầu tư hai mức giá 500.000 USD cho 10%, hoặc 1,5 triệu USD cho 30% cổ phần.

Theo Ngọc Minh, với nhu cầu cung cấp điện cho các thiết bị điện tử ngày càng tăng nên các nước phát triển đang nghiên cứu giải pháp để lưu trữ lại nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, solar. Vì vậy, nhà sáng lập giới thiệu đến Shark sản phẩm bình trữ điện đa năng MoPo, sản phẩm có thể thay thế được ắc quy chì axit hiện hành, đang được sử dụng rất phổ biến trên các xe điện và những hệ thống lưu trữ năng lượng. MoPo có kích thước và trọng lượng chỉ bằng 1/4 so với các loại bình ắc quy thông thường. Đặc biệt, khi người dùng kết hợp với bộ chuyển đổi điện sẽ có ngay một máy phát điện di động dễ dàng kết nối và mở rộng công suất.

Nhà sáng lập cũng cho biết, sản phẩm đã hoàn thành nghiên cứu và đưa ra thị trường, đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng sau 2 tháng chạy thử. Power Centric đã có nhà xưởng với dây chuyền sản xuất theo thiết kế có thể đạt 60.000 sản phẩm/ năm. Giá bán một sản phẩm dự kiến khoảng 499 USD tại thị trường Việt Nam.

Mức định giá công ty lên đến 5 triệu USD của Ngọc Minh khiến Shark Phú không khỏi nghi hoặc. Tuy nhiên, nhà sáng lập nhanh chóng lý giải: "Hiện công nghệ lưu trữ là chìa khóa của năng lượng tái tạo. Lĩnh vực này đến năm 2022 được dự đoán có thị trường lên đến 100 tỷ USD. Dự kiến doanh thu 2019 từ những đối tác đang làm việc đã lên đến 5 triệu USD".

Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD - Ảnh 3.

Dù nhận thấy nhu cầu thị trường lớn nhưng hai "cá mập Quỹ" Dzung Nguyễn và Thái Vân Linh vẫn lắc đầu từ chối. Ghi nhận lời khuyên của Shark Linh nhưng Ngọc Minh cũng chân thành chia sẻ, bản thân anh là fan trung thành của Shark Tank Mỹ nhưng nguyên nhân thực sự để anh tìm đến các Shark tại Việt Nam là muốn được hỗ trợ về kinh nghiệm, mối quan hệ và ấp ủ mong muốn xây dựng lên thương hiệu, sản phẩm "Made in Viet Nam".

Trong khi đó, Shark Hưng nhìn thấy tiềm năng thị trường còn rất lớn nên ông lập tức là người đầu tiên đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 30% cổ phần công ty Power Centric. Shark Hưng đánh giá, nhà sáng lập Ngọc Minh từ Mỹ về chưa hiểu thị trường Việt Nam, còn Giám đốc nghiên cứu & phát triển Sơn Tùng là dân thuần kỹ thuật nên Power Centric rất cần có người hoạch định chiến lược thị trường, giúp công ty tiếp cận với các khách hàng lớn ở Việt Nam.

Vì thế, Shark Hưng không ngần ngại tiến cử bản thân: "Anh học Bách Khoa, là dân kỹ thuật và học MBA ngành Quản trị kinh doanh quốc tế nên hiểu biết cả về kỹ thuật lẫn vấn đề kinh doanh. Anh biết tất cả các khách hàng tiềm năng ở Việt Nam cũng như cơ hội để đưa ra thị trường quốc tế. Anh nghĩ trong các Shark ở đây, mình anh là đủ rồi. Mục tiêu của chúng ta là sẽ biến mấy chục ngàn cây xăng ở Việt Nam thành trạm sạc, đổi ắc quy".

Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD - Ảnh 4.

Sau khi nghe startup trình bày về tiềm năng sản phẩm và nhu cầu thị trường, Shark Hồng Anh bày tỏ muốn cùng hợp tác với Shark Hưng bởi lợi thế, tập đoàn TTC của ông cũng đang làm năng lượng rooftop với solar. Tuy nhiên, lời đề nghị này bất ngờ bị Shark Hưng thẳng thừng từ chối kèm tuyên bố: "Anh có thể trở thành khách hàng của bên tôi".

Cuộc đua trở nên cực gây cấn khi Shark Phú nhập cuộc cùng Shark Hồng Anh với lời đề nghị 500.000 USD đổi lấy 25% cổ phần Power Centric.

Chứng kiến sự hứng thú của "cá mập", Ngọc Minh nhanh nhạy muốn gom cả ba nhà đầu tư về một mối với giá 1 triệu 500 nghìn USD. Tuy nhiên, lời đề nghị này bị "cá mập" Phạm Thanh Hưng khước từ với lý do "lắm cha con khó lấy chồng". Đồng thời, ông đưa ra đề nghị đầu tư hẳn 1 triệu USD, trong đó 500.000 USD cho 30% cổ phần Power Centric, còn lại là cho vay chuyển đổi.

Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD - Ảnh 5.

Ngỡ ngàng về độ chi bạo của Shark Hưng, Shark Hồng Anh và Phú liền lên tiếng lôi kéo startup về đội mình. Chủ tịch Sunhouse cho hay: "Các em đang quá quan tâm có bao nhiêu %, các em là người có thể lo khâu sản xuất nhưng thực ra khâu bán hàng mới là quan trọng. Trong tay anh hiện có ít nhất 100 quân đi bán đồ điện này. Đấy là cái lợi thế".

Tuy nhiên, muốn nhận đầu tư nhiều hơn nhưng không bị pha loãng cổ phần, Ngọc Minh lần nữa mạnh dạn thương lượng lại với nhà đầu tư. Và nhà sáng lập Power Centric cùng Shark Hưng đã tìm thấy nhau ở mức 25% cổ phần cho số vốn 1 triệu USD đầu tư.

Shark Tank Việt Nam - Tập 12: Chàng Việt kiều khiến shark Hưng, shark Phú giành giật rót 1 triệu USD - Ảnh 6.

Cuối cùng, sau những màn giành giật quyết liệt giữa các "cá mập", cuộc chiến cân não giữa Shark với startup đã có kết thúc viên mãn thuộc "cá mập" nổi tiếng "kén ăn" Phạm Thanh Hưng. Sự dứt khoát, quyết tâm giành giật cho được Power Centric của Shark Hưng phần nào cho thấy sự tiềm năng của startup cũng như thị trường năng lượng Việt Nam.

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại

VTV.vn - Sản phẩm kem trái cây học hỏi công nghệ New Zealand, nguyên liệu nhập Thái, bán tại Việt Nam đã không nhận được đầu tư trong tập 11 Shark Tank Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước