Từ hôm qua (26/5), dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường đã được đưa trên các website để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít cao hơn khung thuế từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít như hiện nay.
Dự kiến kỳ họp tháng 10 này Dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường sẽ trình ra Quốc hội để thông qua. Nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay, nhanh nhất đến năm 2018, Luật này mới có hiệu lực nên không tác động đến giá xăng dầu ngay trong năm nay.
Theo dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít
Hiện nay, giá 1 lít xăng dầu bán lẻ bao gồm 11 yếu tố. Trong đó theo tính toán của nhiều chuyên gia tỷ lệ 4 loại thuế là Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng và Thuế nhập khẩu với xăng dầu chiếm trên 40% giá xăng dầu bán lẻ.
Trong 7 loại phí còn lại thì chi phí lưu thông từ lúc nhập vào bán ra là 1.050 đồng/lít, quỹ bình ổn bình quân trên 300 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lit... Như vậy, tổng cộng 11 yếu tố này đang chiếm trên 50% giá thành bán lẻ xăng dầu và cao hơn giá gốc xăng dầu mua từ nguồn. Việc có quá nhiều loại chi phí cấu thành trong giá xăng dầu đã khiến giá xăng dầu bán lẻ cao gấp hơn 2 lần giá gốc và hậu quả người tiêu dùng phải gánh chịu.
Tuy nhiên theo lý giải của Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn rất nhiều nước. Năm 2015, trước khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm vào năm 2016 theo lộ trình, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban thường vụ quốc hội điểu chỉnh thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Trong trường hợp thuế nhập khẩu xăng dầu tiến tới bằng 0 vào những năm tới, thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lại có thể được sử dụng như một công cụ bù đắp hụt thu cho ngân sách.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khung thuế này cần được điều chỉnh phù hợp để tỷ lệ 4 sắc thuế trên giá bán lẻ xăng dầu không tăng cao hơn so với hiện nay. Mặt khác, việc trích 300 đ/lít để đóng quỹ bình ổn xăng dầu thực chất là của người tiêu dùng nhưng việc sử dụng quỹ này thiếu minh bạch nên cần bỏ để giá xăng dầu bớt gánh các loại phí.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 26/5 sẽ bao gồm những lý giải từ phía đại diện Bộ Tài chính cũng như những phân tích từ chuyên gia kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!