Chưa bao giờ nhiều chuyện bức xúc liên quan tới giáo viên như thời gian qua. Cô giáo 3 tháng lên lớp không giảng bài, cô giáo yêu cầu tát học sinh hàng trăm cái, nghi vấn thầy giáo xâm hại học sinh, phụ huynh lăng mạ thầy cô, bắt cô giáo quỳ xin lỗi. Điều gì đang xảy ra với nghề giáo, nghề cao quý?
Những chuyện không hay liên tiếp xảy ra dưới mái trường là một hiện tượng xã hội cần phải tập trung phân tích để tìm ra căn nguyên bởi trường học là nơi chúng ta gửi gắm cả tương lai. Đó là lý do mà sáng 14/12, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo về Áp lực đối với giáo viên, nguyên nhân và giải pháp. Nhiều ý kiến xác đáng được ghi nhận.
Một yếu tố quan trọng để vượt qua áp lực và sẵn sàng thay đổi là lòng yêu nghề. Với nghề nào cũng cần yêu nghề hợp với nghề mới thành công, nhưng với nghề giáo, điều này còn cần hơn rất nhiều bởi đối tượng tiếp xúc là trẻ em. Phải yêu nghề mến trẻ mới vượt qua được áp lực đến từ mọi phía.
Kết quả khảo sát tác động đến sự hài lòng công việc của các thầy cô
Theo một kháo sát của trường ĐHSP Hà Nội, lương chỉ chiếm 2,7% tác động đến sự hài lòng công việc của các thầy cô. Những người yêu nghề có tỷ lệ hài lòng tới 74%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 57,8% ở nhóm bình thường. Nhưng đáng nói có tới tới 30-40% thầy cô cho biết, họ làm nghề giáo do phù hợp hoàn cảnh và thực tế ở trường rất khác với hình dung của họ.
Khách mời của chương trình Vấn đề hôm nay ngày 14/12 là GS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã có những phân tích về áp lực đối với giáo viên và tìm giải pháp để tạo điều kiện, tạo động lực cho đội ngũ thầy, cô giáo hoàn thành tốt trọng trách của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!