"Chảo lửa" Trung Đông mới đây lại đang tăng nhiệt do những căng thẳng xảy ra giữa Iran và Saudi Arabia. Hai quốc gia đứng đầu hai nhánh Hồi giáo - Sunnis và Shiite đã cắt đứt quan hệ ngoại giao cách đây 2 ngày. Đây là động thái ngoại giao dẫn tới sự chia rẽ của hai nước có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở khu vực Trung Đông. Từ cuộc khẩu chiến ban đầu, căng thẳng đã leo thang thành cuộc chiến ngoại giao, thương mại và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi Saudi Arabia hành quyết 47 người bị kết tội khủng bố, trong đó có một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite của Iran. Ngay lập tức, vụ việc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Iran. Đại sứ quán của Saudi Arabia ở thủ đô Tehran, Iran đã bị người biểu tình Iran tấn công, đốt phá. Để đáp trả, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và yêu cầu toàn bộ phái đoàn ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán và các cơ quan liên quan của Iran phải dời đi trong 48 giờ.
Saudi Arabia tuyên bố ngừng các chuyến bay tới Iran và cắt đứt quan hệ thương mại song phương. Hai đồng minh của Saudi Arabia là Bahrain và Sudan cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Tehran.
Đánh giá về tình hình căng thẳng tại Trung Đông hiện nay, TS.Ngô Xuân Đỉnh - Chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông cho biết: “Điều mà mọi người thấy rất rõ là Saudi Arabia đã tính tới câu chuyện hy sinh quan hệ đối ngoại với Iran để giữ sự ổn định trong nước. Với việc xử tử hơn 40 người, trong đó có vị giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr, người Saudi Arabia đã tính tới chuyện có phản ứng, đặc biệt từ Iran”.
“Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia ở mức xấu nhất sẽ là tuyệt giao và xu thế hiện tại gần như chắc chắn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, câu chuyện mâu thuẫn giữa hai nước có dẫn tới chiến tranh không thì phải nói tới vấn đề ở Tây Á. Hiện nay, Tây Á đang có sự đan xen của các loại lợi ích, đặc biệt từ các nước lớn. Do đó, nếu hai quốc gia này xảy ra chiến tranh thì sẽ phải có sự tham dự của các nước lớn trong chừng mực nhất định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nước lớn sẽ can thiệp để tránh cho lõi thuốc súng bùng nổ. Khả năng xảy cuộc chiến có thể diễn ra những không phải là hướng trội hay chiếm ưu thế”.
Những gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa Iran và Saudi Arabia vẫn còn chưa rõ nhưng tình thế đối đầu hiện nay đang đặt cục diện khu vực này vào tình trạng nguy hiểm. Đây không phải một dấu hiệu tốt đối với một Trung Đông vốn đầy bất ổn trong năm mới 2016.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.