Tăng trưởng kinh tế Việt Nam của quý I/2016 tăng 5,46%, có dấu hiệu chững lại so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chính là do khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn là bệ đỡ của nền kinh tế không những không tăng trưởng mà còn sụt giảm 1,23%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng xấu đến mọi hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi mục tiêu tăng GDP của cả năm nay là khoảng 6,7%.
Khi tăng trưởng chững lại, lạm phát có hướng tăng cao và thu chi ngân sách gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chững ngay từ quý I như vậy đòi hỏi sự nỗ lực và dốc sức rất lớn của tất cả mọi ngành thì mới có thể hoàn thành mục tiêu mục tiêu GDP của cả năm nay.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 28/3, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã giải thích rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng GDP quý I/2016 của Việt Nam tăng trưởng thấp, đồng thời nêu lên phương hướng giúp cải thiện tình trạng này vào các quý tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: "Vai trò của quý đầu tiên khá quan trọng. Nếu như quý I tăng quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của cả năm. Hơn nữa đây là năm đầu tiên nước ta thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) nên cần phải sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp để khắc phục".
"Ngoài yếu tố nông nghiệp, tôi cho rằng tình trạng GDP quý I tăng thấp như vậy là do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng công nghệp hiện tại chỉ bằng 2/3 cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm hơn 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là mũi nhọn cũng tăng trưởng ì ạch, bằng 2/3 cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra còn hai yếu tố nữa đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng quý I/2016 thấp hơn nhiều so với năm 2015" - ông Vũ Đình Ánh nói thêm.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho biết mặc dù xây dựng đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với 10 năm trở lại đây nhưng vì chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nên trước mắt vẫn phải tập trung mũi nhọn cho nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
"Trong quý I, xây dựng tăng xấp xỉ 10%, được đánh giá là cao nhất trong 10 năm trở lại đây đối với ngành xây dựng. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản, tuy nhiên ngành xây dựng đóng tỉ trọng không nhiều trong GDP của Việt Nam. Tỉ trọng đóng góp lớn nhất thuộc về ngành dịch vụ, sau đó là công nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta không nên tập trung kỳ vọng vào ngành xây dựng sẽ bù cho tốc độ tăng trưởng chậm ở những ngành khác. Trước mắt, chúng ta vẫn phải tập trung vào các ngành then chốt, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế" - ông Vũ Đình Ánh cho biết.
Các chuyên gia dự báo rằng dù môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định nhưng để đạt tăng trưởng cả năm là 6,7% thì nông nghiệp phải tăng 2,5%, song điều này là vô cùng khó khăn vì quý I đã bị âm, ngoài ra chúng ta phải xuất khẩu được 2 triệu tấn dầu với giá ổn định thì mới có thể có lực đẩy cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp cũng phải có bước chuyển mình đáng kể thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng như dự kiến.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.