Theo thống kê của Tổng Cục du lịch Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2017, hơn 3,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế đã tới Việt Nam, tăng 29% so với cùng thời điểm năm 2016. Đây là số lượng khách quốc tế trong một quý đạt kỷ lục kể từ năm 2012. Thông tin có lẽ sẽ khiến người làm du lịch vui mừng. Song bên cạnh đó, các nhà quản lý du lịch vẫn còn nỗi lo về hiện tượng du lịch 0 đồng hay còn được gọi là tour 0 đồng. Các tour này đang gây ra nhiều bất cập cho ngành du lịch Việt Nam.
Nói về loại hình du lịch này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định tên gọi tour 0 đồng là tên gọi không chính xác, nó phải được gọi là tour giá rẻ. Du khách vẫn phải chi trả một loại tiền nào đó.
"Việc lên án các tour 0 đồng là cần thiết" - ông Vũ Thế Bình nói thêm - "Không bao giờ có ai đãi khách du lịch cả, mở cửa ra khỏi nhà sử dụng dịch vụ du lịch thì cần có chi phí, như vậy, chí phí đó ai sẽ trả? Không ai cả, chính họ trả mà thôi, dưới hình thức này hay hình thức khác".
"Vấn đề ở đây là nếu như người ta mua một tour du lịch bình thường gồm các dịch vụ ăn, ở, tham quan, đi lại… trọn gói thì Nhà nước sẽ thu được thuế. Nhưng trong thực tế, nhiều dịch vụ đã bị bỏ bớt đi hoặc du khách tự chi trả trong khi phí dịch vụ không thay đổi. Tiền đó sẽ là tiền giá trị gia tăng nộp thuế chi cho những người làm công tác du lịch. Do đó, nếu chúng ta quản lý được những loại hình đó thì chắc chắn sẽ thu được. Nếu không làm được thì chúng ta sẽ không thu được khoản thuế đó".
Rõ ràng, các doanh nghiệp lữ hành trong nước đã không thu được nhiều lợi nhuận từ các tour giá rẻ, tour 0 đồng, bởi phần lớn lợi nhuận đã chảy ngược về các doanh nghiệp lữ hành ở nơi xuất phát của du khách. Tuy nhiên, xét về khía cạnh khác, chính sách tour giá 0 đồng cũng là một cách để thu hút nhiều du khách tới Việt Nam. Vì vậy, thay vì dùng tiểu xảo để bắt chẹt các du khách đi tour 0 đồng, các đơn vị du lịch nên làm cách nào đó để du khách tự giác tiêu tiền ở Việt Nam.
Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đặt ra những chuẩn mực nghiêm về cung cách phục vụ để lấy lòng du khách. Cơ quan quản lý không muốn can thiệp vào thị trường bằng cách áp đặt giá sàn cho các tour du lịch nhưng để nâng cao chất lượng dịch vụ, đó là biện pháp cần thiết. Còn các doanh nghiệp lữ hành cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, chấm dứt tâm lý chụp giật trong kinh doanh nhằm giữ chân du khách quốc tế tới Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!