Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã trở thành ngọn đuốc soi đường, mở ra thời đại mới trong văn học nghệ thuật, biến văn hóa, văn nghệ trở thành vũ khí sắc bén, khơi dậy sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sau 8 thập kỷ, ánh sáng của bản cương lĩnh đầu tiên về văn hóa còn soi rọi đời sống tinh thần hôm nay ra sao? Chúng ta tiếp thu những giá trị tinh tùy nào của đề cương, tiếp nối và phát triển như thế nào trong thời đại mới?
Những câu hỏi này đã được đưa ra thảo luận trong chương trình Tọa đàm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, với sự tham gia của các khách mời: ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Đề cương về văn hóa Việt Nam - Bước ngoặt lịch sử
Bản đề cương văn hóa Việt Nam 1943 do Tổng bí thư Trường Chinh chấp bút trong những ngày bão táp của cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Có thể nói, nhân dân ta khi ấy, trong đó có cả lớp văn nghệ sĩ, trí thức đã bị dồn vào tình thế khốn cùng. Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời được xem như là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng, chỉ có 1500 chữ, ngắn gọn, xúc tích nhưng đã tạo nên cả một bước ngoặt lịch sử. Vậy nếu Đề cương văn hóa không kịp ra đời vào năm 1943 thì văn hóa Việt Nam sẽ ra sao?
"Những năm đó nếu chưa có sự xuất hiện của đề cương văn hóa thì sẽ có nhiều thách thức và khó khăn. Khi vận động quần chúng nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít, thực dân và phong kiến tay sai để giành chính quyền về tay nhân dân. Tôi nghĩ rằng sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam tháng 2/1943 là vô cùng cần thiết và kịp thời. Tới tháng 4/1943, Hội văn hóa cứu quốc ra đời, là ngọn cờ để tập hợp tác cả trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa, những người yêu nước trong một tổ chức", PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoa, Thể thao và Du lịch
Ba nguyên tắc đề cương định danh cho nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc, khoa học và đại chúng: "Tính dân tộc ở đây phải được hiểu là dân tộc Việt Nam có bề dày về văn hóa, lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông để lại. Vì vậy, kế nối truyền thống của dân tộc, Đảng cũng phải đề cao tính khát vọng độc lập. Rõ ràng, phải hướng đến xây dựng nền văn hóa để phục vụ quần chúng nhân dân, không phải để phục vụ một cái tôi nhỏ bé, hoặc đi theo xu hướng đề cao giá trị của quyền lực nào. Tính đại chúng là như vậy. Tiếp đến là tính khoa học. Văn hóa phải đại diện cho cái đẹp. Vì vậy, những giá trị phản khoa học, phản cái đẹp đều phải được đấu tranh", Bộ trưởng Bộ Văn hoa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phân tích.
"Nếu người Việt Nam lúc đó không có lòng tự trọng về dân tộc của mình bởi văn hóa, lịch sử và bởi những khát vọng thì không thể đánh thức họ bước vào cuộc kháng chiến kỳ vĩ mà Đảng dẫn đường giành độc lập, tự do của tổ quốc. Ở thời điểm đó phải hiểu rằng dân trí rất thấp, không học hành, không được đến trường bởi thế tính đại chúng phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu không có con đường đúng, chính xác và không kết hợp tất cả những yếu tố đó thì không thể kết hợp được lòng dân. Đó là ba điểm cốt lõi, không thể có điểm nào có thể thay thể vào một trong ba điểm đó được", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm.
Ngọn đuốc sáng cho văn học nghệ thuật cách mạng thăng hoa rực rỡ
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 ra đời trước hết và trên hết là vì yêu cầu của cách mạng. Điều này đã được nêu rõ trong đề cương, đó là mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận gồm chính trị - kinh tế - văn hóa. Ở đó người cộng sản phải hoạt động. Phải 2 năm sau đó, 1945, Cách mạng tháng Tám mới giành thắng lợi. Nhưng lịch sử đã chứng minh, trong nhiều nguyên nhân làm nên chiến thắng này có vai trò mở đường và khai sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.
Ở Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Theo các khách mời, Đề cương văn hóa Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh đều có nhiều điểm chung, trong đó đặc biệt khẳng định vai trò của văn hóa là một trong ba mặt trận tư tưởng mà người cộng sản phải hoạt động.
"Trước hết, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đều coi văn hóa là một mặt trận, là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải hoạt động, phải làm cả cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa. Trong bản đề cương cũng nói rõ mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, hoàn thành cách mạng chính trị thì đồng thời cũng làm cách mạng văn hóa.
Trong đề cương văn hóa Việt Nam cũng nói về sứ mệnh của các nhà văn hóa Marxist. Điều này thể hiện đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa văn nghệ là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sỹ trên mặt trận đó", PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng trình bày.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thực sự lột xác. Xét một cách đầy đủ, đây là thời điểm văn hóa nước nhà có sự chuyển biến về mặt chất.
Thực tế, nếu nói về những tượng đài của thời kỳ này có rất nhiều. Họ có đóng góp to lớn với sự phát triển của văn hóa dân tộc.
"Câu văn, câu thơ, bản nhạc và tác phẩm vào thời điểm đó đã trở thành tiếng nói của dân tộc, cất lên vượt qua thách thức và hy sinh. Họ đã làm nên những tác phẩm đồng hành cùng nhân dân, trong thời đại ấy, đi trên con đường ấy. Lịch sử dân tộc được viết chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có lịch sử của các nhà văn, lịch sử của các văn nghệ sĩ đã được viết lên", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tiếp.
"Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Các lĩnh vực nghệ thuật của chúng ta thẫm đẫm vẻ đẹp, bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là nguyên tắc vận động dân tộc hoá. Chúng ta tiếp cận trí tuệ, tinh hoa của loài người, đặc biệt là tiếp nhận được những thành tựu khoa học của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã được phát triển trên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định.
"Tôi cho rằng không có một đánh giá nào công bằng, cao hơn trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong trong các nền văn học nghệ thuật chống chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ mới. Với nhận định này là đầy đủ, đánh giá được vai trò, vị trí của văn hóa nghệ thuật và đóng góp của văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận này, vào sự nghiệp giải phóng dân tộc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói tiếp.
Tiền đề tạo sức sống mới trong cho văn hóa truyền thống
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, yêu nước đã trở thành đạo đức xã hội, thành lẽ sống, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Và sau này là dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành được độc lập. Theo đó, một nền văn hóa nghệ thuật cũng được thăng hoa rực rỡ.
Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn hoạt động bí mật nên Đề cương vẫn dừng lại ở những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính nền tảng. Thế nhưng những nguyên tắc này lại mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc.
Trong 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của văn hóa mới của Việt Nam được Đề cương 1943 xác định, nguyên tắc dân tộc được đưa lên hàng đầu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của toàn dân, đồng lòng tham gia cách mạng. Sau hơn 10 năm đất nước bước vào đổi mới, bước vào hội nhập, tính dân tộc được bổ sung bởi khái niệm tiên tiến.
Năm 1998, Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện quan điểm toàn diện hơn của Đảng về vai trò của văn hoá. Theo GS. TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học trung ương, ở thời kỳ đổi mới, Đảng đã xác định rất rõ về vai trò và vị trí của văn hoá, đó là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó không chỉ là thành tố hữu cơ của sự phát triển mà còn là sức mạnh để thúc đẩy sự phát triển.
Năm 2011, Văn kiện Đại hội 11 của Đảng khẳng định cùng với ngoại giao chính trị và kinh tế, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đến năm 2014, Nghị quyết Trung ương số 33 về xây dựng và phát triển con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định cần xây dựng văn hóa Việt Nam gắn với phát triển con người toàn diện.
Trong 10 năm đầu thế kỷ này, khái niệm công nghiệp văn hóa đã dần xuất hiện và lần đầu tiên phát triển công nghiệp văn hóa được đề cập trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam 2020. Cách đây hơn 10 năm, Đại hội XII của Đảng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hoá. Đến Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII nhấn mạnh mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, đặt ra yêu cầu cụ thể hơn là triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp và dịch vụ văn hoá. 80 năm qua, nhiều giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển phù hợp với từng giai đoạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
"Từ sau 1986, chúng ta quyết định mở cửa, hội nhập với quốc tế. Điều quan trọng nhất khi hội nhập là tầm đón nhận của chủ thể văn hóa sẽ quyết định chất lượng giao lưu, tiếp biến những tinh hoa giá trị của loài người. Bởi vậy hơn bao giờ hết, trong bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng phải giữ gìn bản sắc của dân tộc trong giao lưu hội nhập với thế giới, tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hóa mới nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt. Nếu không giữ được bản sắc của dân tộc thì thật sự dễ trở thành bóng mờ của người khác. Điều đó là không được làm và vì thế phải giữ nguyên tắc dân tộc hoá", PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ trong văn hóa không có cao hay thấp, nhỏ hay bé mà chỉ có sự đa dạng, khác biệt. Tôi cho rằng đó là cách trả lời đúng nhất, phù hợp nhất vào thời điểm này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tiếp - "Tôi nghĩ chúng ta không đáng quan ngại trước làn sóng này hay làn sóng khác. Điều chúng ta rút ra được là khi nghiên cứu việc phát triển công nghiệp văn hóa ở quốc gia bạn, họ đi trước chúng ta và thành công, phải xem xét cách làm của họ để vận dụng kinh nghiệm, giảm bớt trong khâu mày mò, tìm kiếm đường đi. Nhưng cũng không dập khuôn và máy móc thì chúng ta cũng sẽ tạo được làn sóng trong tương lai".
"Đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP của cả nước chỉ chiếm 3,16%, chứng tỏ rằng dù có thể đi sau và đang non trẻ nhưng công nghiệp văn hóa đã có đóng góp nhất định. Bộ đang tham mưu để Chính phủ sớm tổng kết Chiến lược văn hóa đã được ban hành trong giai đoạn trước, để cụ thể hơn, sâu sắc hơn nội dung mới trong Nghị quyết của Trung ương. Chúng ta sẽ ban hành một chiến lược mới" - Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng nói - "Chúng ta định hình 12 ngành công nghiệp văn hóa nhưng không phải dàn hàng ngang mặt trên qua 12 lĩnh vực ấy mà cũng phải chọn điểm, chọn lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và phù hợp với xu hướng chung của thế giới thì mới có được sản phẩm đi ra với bạn bè".
"Nếu có cần bổ sung thì làm rõ thêm vai trò của văn hóa con người đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển và văn hóa có vai trò là động lực của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục làm rõ thêm vai trò đặc biệt của văn hoá" - PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nhận định - "Chúng ta vẫn phải xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam theo 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng. Phải phát triển văn hóa trong mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Động viên toàn thể nhân dân, dựa vào sức mạnh của lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì chúng ta sẽ hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng một nền văn hóa mới, con người mới theo định hướng của chúng ta".
Văn hóa - Sức mạnh nội sinh của dân tộc
Sau 8 thập kỷ, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Thời chiến tranh, văn hóa thành vũ khí đấu tranh giành độc lập thì nay văn hóa trở thành nguồn lực, tài sản. Văn hóa giúp khẳng định thương hiệu du lịch của nhiều địa phương, tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp bội lần về quân sự, vũ khí và tiềm lực kinh tế như dân tộc Việt Nam. Lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước đã chứng minh rằng văn hóa dân tộc với lòng yêu nước, đoàn kết, tự lực và tự cường đã giúp Việt Nam vượt bao thiên tai và địch hoạ. Văn hóa sẽ tiếp sức làm nên sức mạnh trên chặng đường sắp tới, phát triển và hội nhập với khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Phát huy vai trò sức mạnh của văn hóa do đó không chỉ là trách nhiệm của quá khứ mà còn là trách nhiệm với tương lai, bởi văn hóa còn thì dân tộc còn.
Cùng theo dõi những chia sẻ chi tiết của các khách mời trong chương trình tọa đàm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam qua video trên đây!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!