Lễ hội âm nhạc Hozo là sự kiện âm nhạc lớn nhất năm 2022 của thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức hướng đến mục tiêu nhằm phát triển công nghiệp văn hóa cho thành phố. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, hơn 150.000 người dân và du khách quốc tế đã được hòa mình trong một không khí âm nhạc quốc tế sôi động và cuồng nhiệt. 200 nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc… đã trình diễn nhiều tiết mục âm nhạc đa dạng về thể loại, ngôn ngữ, tạo ra một trải nghiệm âm nhạc khác biệt.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm năng động nhất để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Năm 2010, giá trị sản xuất các ngành này tại thành phố Hồ Chí Minh là 20.000 tỷ đồng. Chỉ 10 năm sau, con số này đã tăng lên gấp đôi, gần 40.000 tỷ đồng, đóng góp từ 3,24% – 3,98% GRDP của thành phố. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cho tới nay, dù chiếm gần 98% số cơ sở hoạt động nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phải dò dẫm trên hành trình xây dựng công nghiệp văn hóa.
Thiếu cơ sở hạ tầng không phải là khó khăn duy nhất trong phát triển công nghiệp văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án văn hóa lớn, nhất là các lễ hội, cần đầu tư trang thiết bị tối tân, mời ngôi sao quốc tế nên chi phí đầu tư dự án có thể từ hàng chục tỷ đến trăm tỷ đồng. Nhưng nếu muốn vay ngân hàng hay huy động tài chính, doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp rất nhiều trở ngại.
Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 5 doanh nghiệp đứng đầu, nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất cả nước với khoảng 40%. Điện ảnh là một trong những thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố, bên cạnh âm nhạc, quảng cáo và thời trang. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn đang chờ đợi cơ chế chính sách và những hành lang pháp lý để bứt phá, không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh mà còn trên bình diện cả nước.
"Chúng ta đang thiếu hụt một bộ luật về công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Thêm vào đó, cần có rất nhiều chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa như chính sách phát triển không gian sáng tạo, chính sách thu hút thành phần xã hội khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp, tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa", PGS.TS Vũ Thị Phương Hạo – Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh cơ chế chính sách, điểm yếu còn là nhân lực. Đây cũng là một trong những trọng tâm trọng điểm của Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030, do Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đã trình Ủy ban nhân dân thành phố.
Các ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Văn hóa nghệ thuật mỗi năm mang về cho Mỹ 8 tỷ USD, cao hơn các ngành xây dựng, giao thông vân tải cộng lại. Tại Hàn Quốc, từ một nước nhập khẩu văn hóa, sau 20 năm quốc gia này đã trở thành cường quốc xuất khẩu Kpop, mỹ phẩm, thời trang, phim ảnh. Những thách thức đặt ra cho phát triển công nghiệp văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của quốc gia nói chung đòi hỏi sự đột phát tư duy về quản lý văn hóa ở mỗi địa phương. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của văn hóa, đồng thời khẳng định thương hiệu văn hóa quốc gia, vùng miền, kết hợp giá trị truyền thống và hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!