Dưới góc độ văn hóa, chợ là nơi gặp gỡ, giao tiếp của mọi đối tượng dân cư, là trung tâm giao lưu văn hóa của một công đồng người. Đặc biệt tại các vùng thôn quê chợ làng còn là nơi tụ họp, gặp gỡ của những người thân quen. Họ đến chợ không chỉ để mua và bán mà còn để thăm hỏi sức khỏe, làm ăn, trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm… Mỗi vùng miền hình thức tổ chức chợ có thể khác nhau, nhưng đều mang hơi thở cuộc sống và dấu ấn đặc sắc riêng.
Với sự phát triển của đời sống, chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp tại các đô thị lớn, thay vào đó là các trung tâm thương mại hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Nhưng nhiều người dân vẫn chọn chợ bởi tính tiện dụng của nó, bởi như một thói quen chứa đựng những giá trị văn hóa lâu bền. Mối quan hệ giữa người mua - người bán được hình thành từ những câu chuyện thân tình như thế, để rồi họ mua bán với nhau bằng chữ tín.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, hoạt động chợ có nhiều biến động, trong đó có cả văn hoá ứng xử giữa người bán, người mua. Điều này khiến cho các phiên chợ truyền thống ngày càng mất điểm trong cuộc cạnh tranh với các loại hình buôn bán, trao đổi hàng hóa khác.
Theo ước tính, Hà Nội hiện có hơn 400 chợ, với hơn 90.000 hộ kinh doanh. Trước đây không ít khu chợ vẫn còn tồn tại bất cập như ứng xử thiếu văn minh trong mua bán, hàng hóa không đảm bảo chất lượng… "Con sâu làm rầu nồi canh", những điều này đã gây ra những hệ lụy to lớn, trước tiên là làm thay đổi suy nghĩ, cách đánh giá của người mua về người bán, về những phiên chợ.
Nhưng trong thực tế những năm gần đây, các khu chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô đã có nhiều đổi khác. Tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ đã giảm đáng kể, thay vào đó là sự ngăn nắp, gọn gàng. Đây là những kết quả bước đầu kể từ khi mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" được đưa vào triển khai.
Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết ngay cổng vào của chợ, nơi các tiểu thương và khách hàng ra vào thường xuyên. Quan trọng hơn là thay đổi trong văn hóa ứng xử, cách giao tiếp giữa người bán, người mua đã khiến nhiều chợ ở Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt nhân dân. Không chỉ văn minh hơn, việc mua sắm cũng an toàn và hiệu quả hơn. Mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt là thay đổi lớn ở các phiên chợ mang lại nhiều tiện ích cho cả người mua - người bán.
"Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" là tên phong trào được Hội Phụ nữ thành phố triển khai trên khắp các khu chợ ở Hà Nội. Sự chuyển biến trong văn hóa ứng xử văn minh nơi công cộng dường như không chỉ còn là khẩu hiệu mà đang dần trở thành nếp sống, thói quen của mỗi người dân, bao gồm cả người mua và người bán ở các phiên chợ.
Bước vào những khu chợ văn minh trên địa bàn Thủ đô, có thể thấy sự ồn ào, lộn xộn trước kia đã không còn, thay vào đó là những gian hàng đầy ắp tiếng cười; người bán, người mua ứng xử chuẩn mực, văn minh, thanh lịch. Việc thực hiện mô hình Chợ văn minh còn bao hàm ý nghĩa mang đến sự thay đổi về diện mạo đô thị, không gian giao thương phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa và nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa của người dân, du khách. Việc xây dựng những khu chợ văn minh, an toàn, hiệu quả cũng góp phần xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, định hình văn hóa người Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!