Hướng đi mới bảo tồn và phát triển làng nghề

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 04/01/2023 12:59 GMT+7

VTV.vn - Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch được coi là một trong những hướng đi triển vọng giúp ưu giữ nét đẹp của cha ông.

Câu chuyện bảo tồn làng nghề là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 4/1. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5400 làng nghề, trong đó có khoảng 2000 làng nghề truyền thống, mang trong mình những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời. Sự tác động của quá trình đô thị hóa, hoạt động di cư và hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương khiến không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các nghề làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Tên nghề gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa một thời như nón làng Chuông, đồng Đại Bái, lụa Vạn Phúc… Chính vì vậy, sự mai một của các làng nghề không chỉ làm mất đi những sản phẩm truyền thống lâu đời mà còn kéo theo những lễ hội, trò chơi, trò diễn, tri thức nghề dân gian quý giá mất theo. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ở làng gốm Bát Tràng, những linh vật tượng trưng cho các năm được các nghệ nhân làm hoàn toàn thủ công. Những sản phẩm được bán với số lượng có hạn, gắn liền với tên tuổi của người nghệ nhân tạo ra nó. Đây là một trong những hướng đi tạo dựng thương hiệu cho các nghệ nhân, vốn quý nhất của các làng nghề.

"Không có cách nào khác bằng tôn vinh dự đóng góp của họ, tạo ra sự ảnh hưởng của họ với cộng đồng. Đặc biệt với làng nghề, đó là các doanh nghiệp nhỏ, những hộ kinh doanh nhỏ nên chọn thương hiệu cá nhân và để họ tự kể câu chuyện của họ và chạm tới trái tim của khách hàng chính là hướng đi để bảo tồn và phát triển làng nghề", ông Nguyên Trung Thành – Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt chia sẻ.

Sử dụng chiến lược maketing bài bản, tiếp tục nghiên cứu làm mới sản phẩm truyền thống thành các mặt hàng tinh xảo, xây dựng không gian sáng tạo mang hơi thở hiện đại là những bí quyết để làng gốm Bát Tràng có thể gìn giữ và phát huy nghề truyền thông cha ông.

Tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam. Chương trình cũng xác định phát triển làng nghề với du lịch. Đây là hướng đi triển vọng được nhiều quốc gia trong khu vực ứng dụng từ lâu. Họ đã rất thành công trong việc vừa bảo tồn được các làng nghề vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác.

Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản. Nó cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của các người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông.

Bảo tồn nghề truyền thống lâu đời tại làng xoi trầm Vạn Thắng Bảo tồn nghề truyền thống lâu đời tại làng xoi trầm Vạn Thắng

VTV.vn - Không chỉ là một địa điểm có ý nghĩa du lịch, làng nghề xoi trầm Vạn Thắng (tỉnh Khánh Hòa) còn có giá trị về văn hóa khi đang bảo tồn một nghề truyền thống lâu đời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước