Nếu sách sử ghi lại những sự kiện quan trọng của dân tộc bằng ngôn ngữ thì di sản văn hóa là kết tinh những nét đẹp truyền thống, những tình hoa mà ông cha đã để lại từ hàng ngàn đời nay. Việt Nam có hàng vạn di sản văn hóa tại 63 tỉnh, thành. Trong đó, nhiều di sản đã được UNESCO công nhận. Mỗi di sản đều có nét đẹp độc đáo riêng và đây là tiềm năng to lớn cho việc đưa di sản văn hóa vào chương trình giáo dục. Nỗ lực tổ chức các hoạt động giáo dục di sản mới giàu tính sáng tạo thời gian qua đang mang đến khởi sắc cho lĩnh vực còn không ít thử thách này.
Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản nhất cả nước. Một tín hiệu mừng là mới đây, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và một số quận huyện ký thỏa thuận hợp tác phối hợp giáo dục di sản cho học sinh, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các trường sẽ tổ chức chương trình giáo dục tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học.
Để phát huy hơn nữa vai trò của các không gian này, Bảo tàng lịch sử quốc gia đã phối hợp Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề "Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thông thông qua di sản văn hóa ở bảo tàng và di tích". Tọa đàm đã chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm về công tác giáo dục di sản ở các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế.
Việc đưa di sản văn hóa vào trong giáo dục có mục đích cuối cùng là để thế hệ trẻ không lãng quên các nét đẹp văn hóa dân tộc. Bởi mỗi học sinh là nguồn lực để phát triển đất nước trong tương lai. Thực tế, từ sự hiểu biết đến yêu mến, người trẻ đã vận dụng sự sáng tạo để tìm ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, để các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản của người trẻ thành công, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các bảo tàng, di tích cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để có thêm nhiều chương trình hấp dẫn, lý thú và khơi dậy tình yêu di sản trong giới trẻ. Cùng với đó, các thầy, cô giáo cũng đòi hỏi phải có sự chủ động trong việc hướng dẫn học sinh trải nghiệm thực tế, truyền cảm hứng cho các em.
Giáo dục di sản trong học đường VTV.vn - Từ năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục Hội An đã triển khai tại các trường học chương trình Giáo dục di sản nhằm hun đúc tình yêu và niềm tự hào với di sản văn hóa ở trẻ em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!