Thật - giả trên mạng xã hội: Hậu quả để lại âm ỉ, khó chữa lành

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 27/06/2024 16:15 GMT+7

VTV.vn - Một đồn mười, mười đồn trăm, khi những tin giả được nói quá nhiều thì nó nghiễm nhiên khiến một bộ phận người sử dụng mạng xã hội tin tưởng.

Nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng dựa vào các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… để cập nhật tin tức thường xuyên. Nhưng mạng xã hội cũng đang là môi trường màu mỡ cho những thông tin giả, sai sự thật. 

Thời gian gần đây, những kênh mạng xã hội hoạt động như một trong tin tức đã liên tiếp xuất hiện. Điều đáng nói là những kênh này thường xuyên đăng tải các thông tin thất thiệt, sai sự thật, hoặc cắt ghép hình ảnh, giật tít gây sốc để hút người xem, nhất là với chủ đề liên quan đến giới giải trí. Nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã lên tiếng, thậm chí có hành động pháp lý với các kênh này.

16 triệu hay 8 triệu là một vài con số về số người xem mà những bài viết mập mờ nhắm đến. Nó cũng cho thấy mức độ quan tâm của người dùng đến những thông tin này. Theo nghiên cứu của Viện Reuters, có tới 55% người dùng Tiktok và Snapchat, 52% người dùng Instagram đọc tin tức từ các cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội. Những kênh này dù không có giấy phép hoạt động với tư cách một trang tin nhưng lại đang có sức tác động lớn đến người dùng mạng xã hội.

Sự thiên vị của người dùng mạng xã hội với những tin đồn đã góp phần khiến hậu quả mà tin đồn để lại âm ỉ, khó chữa lành. Một đồn mười, mười đồn trăm, khi những tin giả được nói quá nhiều thì nó nghiễm nhiên khiến một bộ phận người dùng tin tưởng. Nhiều nạn nhân bị tấn công bởi các tin đồn từ những trang tin như vậy.

“Xét ở góc độ văn hóa, những thông tin thất thiệt rất phản cảm, gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của một người nào đó rõ ràng làm ảnh hưởng đến văn hóa ứng trên mạng. Thứ hai là vi phạm về việc phát tán clip, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Điều thứ ba là gây rối loạn an ninh trên mạng xã hội, tác động đến nhận thức của giới trẻ”, nhà báo Hà Tùng Long chia sẻ.

Rõ ràng, việc đăng tải các thông tin sai lệch, thậm chí là bịa đặt đang gây ra ảnh hưởng tới nhiều người. Không chỉ trong giới giải trí, nhiều tài khoản mạng xã hội còn đưa ra những thông tin xuyên tạc về các vấn đề trong xã hội. Do đó, hậu quả sẽ còn lớn hơn, không chỉ tổn hại danh dự của một cá nhân.

Trên các nền tảng xuyên biên giới, công tác chống tin giả, tin xấu độc không dễ dàng. Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quyết liệt hơn, còn bản thân người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, thận trọng để ngăn ngừa tình trạng này.

Fanpage 'tư vấn pháp luật' mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo Fanpage "tư vấn pháp luật" mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo

VTV.vn - Fanpage "Thư Viện Phát Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến" đã sử dụng giao diện VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước