Tiền công đức đang từ tiền lẻ dồn thành tiền tỷ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 12:41 GMT+7

VTV.vn - Việc công khai minh bạch khoản tiền công đức vừa tạo nguồn lực bền vững mà không gây cản trở cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Bộ Tài chính vừa có kết quả báo cáo tổng kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Gần 4.100 tỷ đồng là tổng số tiền công đức thống kê được trong năm 2023 của chưa đến một nửa số di tích trên cả nước. Đáng chú ý, số tiền được thống kê chủ yếu là tại các cơ sở tín ngưỡng với hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có 7 di tích thu hơn 25 tỷ đồng. Ấn tượng nhất là Miếu Bà Chúa xứ, Châu Đốc, An Giang có số thu là 220 tỷ đồng. Có 9 địa phương có số thu trên 100 tỷ đồng. 7 địa phương có số thu hơn 200 tỷ đồng là Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh.

Nói về tiền công đức, xưa nay dân gian ta vẫn có câu “của một đồng, công một nén”, với ngầm định rằng số tiền này không nhiều. Thế nhưng, từ kết quả cuộc tổng kiểm tra cho thấy, tiền công đức đang từ tiền lẻ dồn thành tiền tỷ. Trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách Nhà nước dành cho văn hóa hàng năm còn khiêm tốn, tiền công đức, tài trợ đóng góp tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Chúng ta quản trị nguồn tiền này một cách đúng pháp luật, minh bạch tỏ tường và nhờ đó vừa đảm bảo giữ gìn uy tín, sự trong sạch của các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, đồng thời đảm bảo sự an toàn tối đa cho xã hội, bảo vệ lợi ích của các tín đồ đến với các đấng linh thiêng bằng trái tim chân thành và hướng thiện. Như vậy, nó tốt chung cho cả xã hội”, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Rõ ràng, quản lý tiền công đứng theo hướng công khai minh bạch về cả số lượng, nội dung nguồn thu, nguồn chi sẽ đảm bảo được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nguồn lực này. Chính sách cho công tác này đang ngày càng cụ thể rõ ràng. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên thực hiện thì còn nhiều khó khăn thách thức. Thực tế này đã được phản ánh chân thực trong đợt tổng kiểm tra vừa qua. Theo đó, đa số báo cáo cho rằng số liệu thu - chi tiền công đức tài chính của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần chưa đầy đủ.

“Chúng ta phải có các nghiên cứu xem xét dần dần. Khi đưa vào quản lý thì cần quá trình thay quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở tín ngưỡng, cũng như phù hợp thực tiễn cuộc sống”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho biết.

Con số 4.100 tỷ đồng năm 2023 cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp. Nguồn thu này trở thành nguồn lực quan trọng trong phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Trong tổng số chi trong năm 2023 là 3.600 tỷ đồng, gần 50% đã được dành để tôn tạo, tu bổ di tích. Số tiền công đức tiếp tục phát huy ý nghĩa cao đẹp khi tiếp tục chi cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, với hơn 290 tỷ đồng. Công tác quản lý theo hướng minh bạch rõ ràng đang tạo niềm tin và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Bộ Tài chính: Tổng số tiền công đức thu năm 2023 là hơn 4.100 tỷ đồng Bộ Tài chính: Tổng số tiền công đức thu năm 2023 là hơn 4.100 tỷ đồng

VTV.vn - Bộ Tài chính vừa có công văn 174/BC-BTC gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước