Điểm đến của các lao động Việt này là những quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam hợp tác, ký kết biên bản ghi nhớ về tiếp nhận lao động. Khu vực Đông Bắc Á với các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là điểm đến được ưa thích nhất của lao động Việt Nam với khoảng 100.000 người/năm.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á lại ít hơn hẳn, chỉ có khoảng 500 lao động sang thị trường này, chủ yếu là Malaysia. Khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu chỉ có hơn 1.000 lao động/thị trường. Một số thị trường khác như: châu Âu, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như: Australia, Mỹ, Canada, Phần Lan và Italy là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến trong thời gian tới.
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy, lao động Việt Nam phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất, lên đến 11 tháng, để có thể chi trả khoản nợ này. Hơn 3/4 lao động Việt Nam được phỏng vấn (77% nam và 75% nữ) trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có một rủi ro nữa là họ có thể trở thành nạn nhân buôn bán người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!