CUỘC CHIẾN KHẨU TRANG
Tình trạng thiếu thiết bị y tế đang là tình trạng chung ở rất nhiều quốc gia phương Tây. Khẩu trang chuyên dụng để phục vụ các nhân viên y tế là mặt hàng thiếu nhất. Ở Mỹ, hay là những quốc gia có dịch phức tạp khác như Italy hay Tây Ban Nha, các nhà sản xuất nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu nên họ phải đi mua. Nhưng ở thời điểm khan hiếm hàng như hiện nay, đi mua cũng không phải là dễ.
Truyền thông phương Tây cho rằng COVID-19 đã châm ngòi cho một cuộc chiến, gọi là "chiến tranh khẩu trang". Các quốc gia sốt sắng tìm kiếm nguồn cung khẩu trang, dẫn đến việc tranh giành những đơn hàng.
Gần đây nhất là vụ 200.000 chiếc khẩu trang của hãng 3M, sản xuất ở Trung Quốc, trung chuyển ở Bangkok chờ để sang Đức thì bị chuyển hướng gửi tới Mỹ. Mỹ cũng đã sớm thông qua một đạo luật, khiến việc xuất khẩu trang thiết bị y tế ra nước ngoài khó khăn hơn.
Chính phủ có toàn quyền chuyển hướng sản xuất các mặt hàng thiết yếu trong các tình huống khẩn cấp. Các nhà sản xuất khẩu trang Mỹ sẽ không được xuất khẩu đi nước ngoài trong thời điểm hiện tại.
Tuần trước, 2 triệu chiếc khẩu trang bị đánh cắp ở Tây Ban Nha, giữa lúc quốc gia này đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh.
Thụy Sĩ mới mua 2,5 triệu chiếc khẩu trang từ Trung Quốc nhưng vì tình hình hiện tại, quy trình giao nhận sẽ phức tạp hơn một chút.
Ở thời điểm hiện tại, chính quyền một số quốc gia miêu tả việc đi mua khẩu trang phải rón rén như đi săn kho báu. Bạn chốt được đơn hàng nhưng vào giây cuối cùng vẫn có thể có người nào khác nhảy vào, sẵn sàng trả tiền mặt gấp 3 gấp 4 lần.
KHẨU TRANG VẢI TRƯỚC CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC XUẤT KHẨU
Trước nhu cầu khẩu trang phòng dịch tăng cao cả ở trong nước và các quốc gia trên thế giới, việc chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng này để thích ứng với những biến động của dịch bệnh được xem là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào lúc này.
Bằng việc chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động về công nghệ, đặc biệt là tìm được hướng đi đúng khi dịch bệnh bùng phát nên một doanh nghiệp dệt may đã có thể đảm bảo cung ứng ra thị trường hơn 11 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi tháng. Không chỉ đáp ứng đủ như cầu sử dụng phòng dịch trong nước, hiện doanh nghiệp cũng đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật, Mỹ và châu Âu.
Đủ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu, tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn cũng không dễ dàng bởi thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng qua việc phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe.
Báo cáo của Tập đoàn Dệt may cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ khi dịch bệnh bùng phát, toàn ngành có 50 doanh nghiệp tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn phòng dịch, với năng lực gần 200 triệu sản phẩm mỗi tháng.
Khẩu trang vải đang được coi là những sản phẩm cứu cánh cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, với việc có quá nhiều các doanh nghiệp đang tập trung phát triển các sản phẩm này, đây sẽ là bài toán cần cân nhắc kỹ.
Ít nhất đã có 50 doanh nghiệp ngành dệt may đã nhanh chóng vào cuộc tham gia sản xuất khẩu trang vải, qua đó đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng trong nước và đang hướng đến xuất khẩu.
Việc tranh thủ khai thác thị trường, hướng tới xuất khẩu tại thời điểm này có thể là hướng đi đúng nhưng về lâu dài, tính ổn định của sản phẩm và thị trường đầu ra sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định không dễ để xuất khẩu khẩu trang vải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!