Vì sao Mỹ muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch?

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ ba, ngày 20/08/2019 19:41 GMT+7

VTV.vn - Greenland có tiềm năng lớn về khoáng sản, dầu mỏ, đất hiếm. Ngoài ra, tiến dần về Bắc Cực có thể là cách Mỹ khẳng định vị thế về an ninh, kinh tế với Nga và Trung Quốc.

Greenland sở hữu những gì mà Mỹ lại muốn mua và người dân Greenland cũng như chính quyền Đan Mạch phản ứng như thế nào về việc này?

Greenland, hòn đảo lớn nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương với trên 80% diện tích là băng tuyết. Đây là vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch.

Có 2 sự việc thu hút rất nhiều chú ý đang diễn ra tại đây là băng đang tan chảy rất nhanh tại Greenland, có thể làm phát lộ những nguồn dầu mỏ và khoáng sản phong phú và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét mua lại Greenland. Điều này đã được đích thân ông Trump và cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow xác nhận.

Trước hết về vị trí địa lý, Greenland ở Bắc Cực nhưng nằm ở khoảng giữa Mỹ và châu Âu. Thậm chí, khoảng cách từ đất liền của Mỹ tới Greenland ngang bằng từ đất liền của Đan Mạch tới vùng đất này.

Về kinh tế, dù theo như ông Trump nói, hàng năm Đan Mạch phải chi khoảng 700 triệu USD để giữ vùng đất này nhưng ai cũng biết Greenland có trữ lượng các kim loại đất hiếm lớn hàng đầu thế giới. Đây là nguồn tài nguyên không thể thiếu cho chiến lược phát triển công nghệ điện tử và máy tính.

Còn về mặt chính trị, tiến dần lên Bắc Cực cũng có thể là cách để Mỹ khẳng định vị thế cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong chiến lược an ninh và kinh tế.

Năm 2017, tàu chở dầu đầu tiên của Nga đã khai thông tuyến hàng hải qua Bắc Cực. Năm 2018, Trung Quốc công bố chiến lược "con đường tơ lụa Bắc Cực" với tham vọng mở tuyến hàng hải xuyên qua vùng rìa phía Bắc của Canada sang châu Âu. Thế nên, trong khi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, băng ở Bắc Cực tan đang mở ra tuyến hàng hải đầy tiềm năng mà chắc chắn Mỹ không muốn đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên ngỏ ý mua lại Greenland của Đan Mạch. Sau thế chiến thứ 2, chính quyền Tổng thống Harry Truman cũng đã từng ngỏ ý mua vùng đất tự trị này với giá 100 triệu USD nhưng không thành.

Lịch sử nước Mỹ cho thấy, nước này cũng từng mua một số vùng đất khác mà hiện nay trở thành vị trí trọng yếu trong chiến lược an ninh của nước này. Tổng thống Andrew Johnson đã mua lại Alaska từ Nga năm 1867, Tổng thống Thomas Jefferson với thương vụ mua Louisiana từ Pháp năm 1803.

Việc Tổng thống Mỹ quan tâm việc mua lại hòn đảo Greenland đã rõ. Tuy nhiên, chính quyền Greenland và chính phủ Đan Mạch cũng có câu trả lời của mình. Đó là, bạn muốn làm ăn với Greenland thì xin mời, còn bán Greenland thì không.

Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đến Copenhagen, Thủ đô Đan Mạch và sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà vào đầu tháng tới. Vì thế, câu chuyện mua Greenland có lẽ sẽ chưa kết thúc ở đây.

Các nhà khoa học tiết lộ nguyên nhân Greenland mất đi 12,5 tỷ tấn băng chỉ trong 1 ngày Các nhà khoa học tiết lộ nguyên nhân Greenland mất đi 12,5 tỷ tấn băng chỉ trong 1 ngày Giá trị đầu tư của Greenland Giá trị đầu tư của Greenland Tổng thống Mỹ xác nhận ý định mua đảo Greenland Tổng thống Mỹ xác nhận ý định mua đảo Greenland

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước