Vỉa hè là một bộ phận quan trọng của hệ thống giao thông nội đô, là phần giành cho người đi bộ, nhiều nước cho phép xe đạp đi trên vỉa hè. Trong trường hợp có các hoạt động khác như văn hóa, thể thao, diễu hành thì phải được cơ quan quản lý đường bộ thống nhất bằng văn bản về phương án đảm bảo giao thông trước khi xin phép tổ chức.
Tuy nhiên, tại vỉa hè đường Nguyễn Khang, dọc sông Tô Lịch, từ lâu xuất hiện một trạm biến thế chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè. Vậy nên, người đi bộ khi đi đến đây chỉ còn cách đi bộ xuống lòng đường.
Trạm biến áp trên vỉa hè đường Nguyễn Khang.
Không riêng trên đường Nguyễn Khang, trên hệ thống vỉa hè ở Hà Nội tồn tại khá phổ biến trạm biến áp, hoặc là máy phát điện của các cơ sở kinh doanh ăn uống.
Nếu các trạm biến áp này đã tồn tại từ trước thời điểm Luật Giao thông Đường bộ có hiệu lực, Sở GTVT Hà Nội nên tính toán, thiết kế làm sao để người đi bộ đi được trên vỉa hè bình thường.
Không chỉ các trạm biến áp, Hà Nội còn đang có nhiều dự án xây dựng nhà cửa, công trình giao thông đang sử dụng lòng đường, vỉa hè và cũng đang lấn chiếm không gian giao thông và vỉa hè cho người đi bộ.
Luật giao cho UBND cấp huyện và Sở GTVT Hà Nội cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè cho xây dựng, cho các sự kiện ma chay hiếu hỉ. Tuy nhiên, kể cả khi được cấp phép cũng phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, tại chân nhiều công trình, các nhà thầu đã lấn hết vỉa hè mà không mảy may nghĩ đến việc chừa lối đi cho người đi bộ.
Ví như trong dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, ngay trước trường Đại học Giao thông Vận tải, toàn bộ phần vỉa hè đã được chiếm dụng làm công trường nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường, trong khi đây lại là nơi xe bus thường xuyên ra vào, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cho người đi bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!