Lao động Việt Nam có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản. (Ảnh: Báo điện tử Người lao động)
Đây là cơ hội cho hơn 300.000 lao động tới Nhật Bản làm việc trong 14 lĩnh vực.
Theo công bố của Chính phủ Nhật Bản, trong 14 ngành nghề tiếp nhận lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới, số lượng tiếp nhận dự kiến đối với ngành hộ lý, chăm sóc người già là nhiều nhất, tối đa lên tới 60.000 người, tiếp đến là ngành xây dựng: 40.000 người, ngành nông nghiệp và vệ sinh tòa nhà mỗi ngành khoảng 37.000 người. So với lao động nước khác, lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ và có trình độ tiếng Nhật tốt nên được các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng.
Để giải quyết nỗi lo về lạm dụng lao động nước ngoài, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng ban hành một sắc lệnh yêu cầu người sử dụng lao động phải trả cho lao động nước ngoài mức lương tương đương hoặc cao hơn so với những người có quốc tịch Nhật Bản. Khoản tiền lương của lao động nước ngoài sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, là bằng chứng cho thấy họ được trả lương công bằng.
Luật trên quy định về nguyên tắc thời gian làm việc ngoài giờ của người lao động chỉ được tối đa 45 giờ/tháng và 360 giờ/năm. Các công ty có thể điều chỉnh tăng mức giới hạn từng tháng trong những tháng cao điểm và được phép điều chỉnh tối đa 6 tháng/năm nhưng phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 100 giờ/tháng và 720 giờ/năm.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đón nhận số lượng người lao động nước ngoài lớn đến như vậy, thực tế là cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đang lúng túng trong việc quản lý và hòa nhập người lao động nước ngoài với xã hội Nhật Bản. Một số chuyên gia cho rằng, chính sách của chính phủ vẫn còn chậm trễ trong việc hoạch định với lao động nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!