Công bằng thương mại: Hướng mở cho nghề truyền thống

Thục Linh - Ngọc Tuấn (VTV4)-Thứ tư, ngày 26/11/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa. (Báo Thanh niên)

Công bằng thương mại thực chất là mở ra các mối quan hệ đối tác thương mại nhằm giúp cho những người sản xuất bị thiệt thòi có thể phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, công bằng thương mại để bảo tồn và phát triển hàng thủ công truyền thống là chương trình còn khá mới. Tại Hội chợ hàng thủ công truyền thống 2014, hầu hết các sản phẩm thủ công đến từ nhóm làng nghề, nhóm dân tộc thiểu số được trưng bày đều đã hoặc đang nằm trong dự án Công bằng thương mại của tổ chức phi lợi nhuận Craft Link Việt Nam. Tiêu chí này hiện đang được nhiều tổ chức hướng đến nhằm bảo tồn và phát triển sản xuất hàng thủ công truyền thống.

Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc tổ chức Craft Link về công bằng thương mại cho biết: “Nói công bằng thương mại có thể bảo tồn và phát triển hàng thủ công, bởi vì tiêu chí đầu tiên của công bằng thương mại là hỗ trợ các nhóm gặp hoàn cảnh khó khăn để tăng thêm thu nhập và cải thiện kinh tế. Điều thứ hai đó là trả lương công bằng cho người sản xuất. Hiện nay chu trình công nghiệp hóa, các nhà máy lớn mọc lên thu hút rất nhiều người làm hàng thủ công. Để mọi người quan tâm lại hàng thủ công thì đồng lương trả cho họ phải xứng đáng với những gì họ bỏ ra, rồi cả điều kiện làm việc… tất cả đều nhằm bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống”.

Công bằng thương mại thực chất là mở ra các mối quan hệ đối tác thương mại nhằm giúp cho những người sản xuất bị thiệt thòi có thể phát triển bền vững. Thực hiện công bằng thương mại sẽ thể hiện ở việc tăng cường công khai minh bạch giữa bên kinh doanh và bên sản xuất, thanh toán tiền lương công bằng, tạo điều kiện làm việc tốt, sử dụng nguyên liệu sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực kinh doanh. Các nhóm được hỗ trợ bởi dự án công bằng thương mại bên cạnh việc có thể duy trì ngành nghề truyền thống của mình, còn được hưởng nhiều lợi ích khác.

Bà Sầm Thị Khuyên, Nhóm dân tộc Thái, Quỳ Châu, Nghệ An chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ biết dệt để trang trải cho nhu cầu phục trang của mình, nhưng từ khi tổ chức Craft Link vào, chị em phụ nữ đã biết dệt làm hàng hóa, biết đưa ra thị trường các sản phẩm của mình làm ra, từ đó đời sống phụ nữ nghèo đã khá hơn”.

Công bằng thương mại hiện chưa được áp dụng hoàn toàn cho tất cả các làng nghề, các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam, song đó sẽ là mục tiêu hướng đến của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội nhằm không chỉ nâng cao trình độ sản xuất hàng thủ công truyền thống, mà còn bảo tồn và giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước