DN Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào thị trường mới nổi

Nhóm phóng viên VTV4-Thứ hai, ngày 09/02/2015 06:00 GMT+7

Mạng Movitel tại thị trường Mozambique đã đem lại lợi nhuận cho Viettel sau 6 tháng kinh doanh. Ảnh: An Giang

Chủ động tìm hiểu thị trường, đầu tư vào thị trường ngách tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi chính là chiến lược mà nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn khi vươn ra thế giới.

Sau hơn 25 năm kể từ khi dự án đầu tư ra nước ngoài lần đầu tiên được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn lũy kế đạt hơn 19 tỷ USD.

Nếu như đầu tư ra nước ngoài trong khoảng 10 năm đầu tiên chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống ở các nước trong khối ASEAN và Nga, thì 10 năm trở lại đây đã chứng kiến sự mở rộng ra những quốc gia xa xôi ở châu Phi như Mozambique, Cameroon, Tanzania, Burundi hay Peru và Haiti ở châu Mỹ Latin của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Nằm ở Đông Nam châu Phi, năm 2011, nước Cộng hòa Mozambique chỉ có 1,56% dân số được tiếp cận với dịch vụ Internet và 30% dân số được tiếp cận với mạng điện thoại. Mạng cáp quang mới chỉ có tại một vài thành phố lớn.

Ông Raymundo Quebo, làng Mundo Mundo, tỉnh Zambezia, Cộng hòa Mozambique cho biết: “Làng của tôi vẫn chưa có sóng điện thoại nên tôi không có cách nào để liên lạc với anh trai tôi đang sống ở thủ đô Maputo. Đến khi anh ấy qua đời, tôi cũng không biết tin. Chỗ gần nhất có thể gọi điện thoại được là cách đây hơn 200km”.

Từ năm 2011, Movitel - thương hiệu mạng viễn thông do Việt Nam đầu tư - chính thức đi vào hoạt động tại Mozambique. Chỉ sau hơn 1 năm, 12.500km cáp quang đã được kéo khắp đất nước, 1.800 trạm điện thoại được lắp mới, dịch vụ băng thông rộng đã đến được với tất cả các thành phố lớn. Từ một quốc gia kém phát triển về viễn thông, Mozambique hiện trở thành một trong những quốc gia có mạng hạ tầng viễn thông hiện đại, có độ phủ lớn ở châu Phi. Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường ngách, con người cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công.

Ông Tào Đức Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel chia sẻ: “Có một câu chuyện của một nhà báo Mỹ khi sang thị trường Haiti nhìn thấy các bạn Việt Nam ở trong một căn nhà thuê, làm việc cặm cụi cả ngày đêm, bên cạnh các bạn Haiti. (Lúc đó là thời điểm sau động đất). Nhìn sang bên cạnh có một số chuyên gia nước ngoài ở khách sạn 5 sao, nhà báo có về Mỹ viết rằng, chắc chắn Việt Nam sẽ thành công với những con người như thế này, rất chịu khó, chịu khổ, vất vả”.

Chỉ riêng trong năm qua, những thị trường tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi chiếm hơn một nửa tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam (tương đương 527,1 triệu USD), tập trung chủ yếu ở châu Phi và Mỹ Latin với các nhóm ngành chủ đạo là hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, khai khoáng và nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Phong, Nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá: “Đầu tư ở phân khúc các thị trường mới nổi hoặc thị trường các nước phát triển vừa phải là một sự nhanh nhạy cũng như thể hiện khả năng đáp ứng của Việt Nam đối với nhu cầu của các nước này và cho thấy sự năng động, triển vọng của Việt Nam”.

Những nỗ lực đầu tư ra nước ngoài không chỉ giúp mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn giúp gia tăng vị thế quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước