Chứng kiến những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và mới đây nhất là những hành vi vi phạm phát luật của một số đối tượng trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương... đã có những luồng ý kiến lo ngại rằng dòng vốn đổ vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong giai đoạn này vẫn duy trì một cách ổn định, không những thế còn đạt nhiều dấu mốc ấn tượng.
Ông Brook Taylor, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital nói: “Chúng tôi không cảm thấy quá lo lắng về các sự kiện diễn ra gần đây trên Biển Đông vì nền tảng thị trường vẫn ổn định. Không những thế chúng tôi coi đây là một cơ hội để tăng cường giải ngân vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi là những nhà đầu tư dài hạn ở Việt Nam và chúng tôi thấy những khó khăn này chỉ mang tính chất tạm thời và tin rằng Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới”.
UBCK Nhà nước công bố, từ 08.05 đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài mua chiếm đến gần 50% tổng giá trị mua ròng kể từ đầu năm trở lại đây. Nói cách khác, chỉ trong vòng 10 ngày, nhà đầu tư nước ngoài đã mua đến 50% tổng giá trị trong vòng gần nửa năm họ giao dịch.
TSKH. Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết: “Ngoài yếu tố về tâm lý, nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra quyết định đầu tư, người ta căn cứ vào đánh giá phân tích dựa trên những chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong trung và dài hạn. TTCK Việt Nam là bức tranh phản ánh nền kinh tế. Bức tranh đó thể hiện trong 5 tháng vừa qua là sự tăng trưởng, sự sáng của nền kinh tế trong thời gian vừa qua”.
Ông David Charles Kadarauch, Giám đốc Phân tích, công ty chứng khoán ACB nói: “Các nhà đầu tư nhìn nhận vào dài hạn trong tương lai và điều họ trông đợi là trong vòng 1, 2 năm tới khi những khó khăn hiện tại đi qua, họ hy vọng (và tôi tin đây là những kì vọng thực tế) rằng rủi ro này sẽ kết thúc, qua đi trong chỉ vài tháng tới”.
Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một quốc gia có nền tảng ổn định trên cả 3 phương diện: kinh tế, chính trị và xã hội. Niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của VN vì thế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều vào những sự kiện ngắn hạn.
Những sự việc xảy ra trên Biển Đông là hi hữu mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gặp phải.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Khi những sự cố như vậy xảy ra, việc đầu tiên cần làm là trấn an, ổn định tâm lý của quần chúng nhân dân trên khắp cả nước. đã làm rất tốt điều này. Việc tiếp theo cần làm là phải đưa ra các giải pháp để bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại. Theo như tôi quan sát, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói các giải pháp, tuy nhiên có một điều cần lưu ý là những giải pháp này phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cuối cùng là phải đảm bảo những giải pháp này được thực hiện một cách hiệu quả. Nếu Chính phủ Việt Nam kết hợp được tốt và đồng bộ các giải pháp này thì tôi tin rằng nó sẽ mang đến niềm tin cho các nhà đầu tư, không chỉ vào môi trường kinh doanh mà còn là niềm tin vào chính phủ Việt Nam về những nỗ lực, cố gắng của họ”.
Các tổ chức lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết sẽ sát cánh cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam để cải thiện môi trường đầu tư trung và dài hạn.