"Hồi niệm" phóng viên ảnh phương Tây trong chiến tranh Việt Nam

Thu Hiền - Mai Nam (VTV4)-Thứ năm, ngày 30/04/2015 06:00 GMT+7

Một bà mẹ Việt Nam cùng với con vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. (UPI). Kyoichi Sawada. Quy Nhơn năm 1965. Nhà nhiếp ảnh được giải thưởng Pulitzer năm 1966.

VTV.vn - Rất nhiều phóng viên phương Tây đã thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam. Ký ức về họ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã thu hút hàng trăm phóng viên ảnh nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong suốt 30 năm chiến tranh, họ đã ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, phản ánh sự khốc liệt và tố cáo cuộc chiến phi nghĩa do Mỹ gây ra ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam.

Rất nhiều phóng viên phương Tây đã thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam. Ký ức về họ hiện được lưu giữ tại một nơi rất đặc biệt - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM. Phòng trưng bày ảnh mang tên "Hồi niệm" tại đây luôn thu hút đông đảo khách tham quan. Nơi đây trưng bày 275 bức ảnh tiêu biểu của 134 phóng viên nước ngoài và phóng viên Việt Nam, tất cả đều đã thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam.

Phóng viên ảnh người Pháp Patrick Chauvel đã từng có mặt ở miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, từ 1968-1973. Mỗi lần quay trở lại Việt Nam, ông đều đến đây để tưởng niệm và nhớ lại hình ảnh của những đồng nghiệp cũ.

Ông Patrick Chauvel, Phóng viên ảnh chiến trường giới thiệu: “Đây là Dickey Chappelle, một nữ phóng viên người Mỹ, phóng viên ảnh nước ngoài đầu tiên chết trong chiến tranh Việt Nam. Bà giẫm phải mìn. Phóng viên đã chụp bức ảnh này chính là Henri Huet, người Pháp, người cũng bị thiệt mạng 8 năm sau đó. Đây là một cuộc chiến rất dài, dữ dội.

Larry Burrows, phóng viên ảnh nổi tiếng người Anh, một trong những người giỏi nhất với những bức ảnh bàng hoàng về chiến tranh Việt Nam. Ông ấy làm việc cho Life Magazine. Ở đây trưng bày rất nhiều ảnh của ông ấy.

Đây là phóng viên người Nhật Kyoichi Sawada, người nổi tiếng với bức ảnh Mẹ Việt Nam cùng với đàn con vượt sông để tránh bom từ máy bay Mỹ. Bức ảnh đã được giải thưởng Pulitzer năm 1966. Kyochi Sawada đã thiệt mạng chỉ vài tháng sau khi quay trở lại tặng bức ảnh cho gia đình Việt Nam này”.

Ông Lubomir Cucic, Phóng viên - Nguyên Đại sứ Croatia tại Bỉ nói: “Hãy nhìn bức ảnh này, một người mẹ và đàn con trong một cuộc chiến sinh tồn, giữa sự sống và cái chết. Tôi cũng có 4 đứa con, tôi đã lặng người trước bức ảnh này. Tôi nghĩ các nhà báo đã bất chấp cả nguy hiểm đe dọa tính mạng của mình chỉ vì một điều duy nhất, đó là cho cả thế giới thấy sự thật. Đó là một sự lựa chọn cá nhân, một tình yêu nghề, chứ không phải vì bất cứ mệnh lệnh hay yêu cầu gì”.

Theo con số thống kê không chính thức, đã có khoảng 100 phóng viên phương Tây thiệt mạng trong 30 năm chiến tranh Việt Nam. Số phóng viên miền Bắc hy sinh cũng khoảng gần 300 người. Họ đều có chung niềm đam mê nghề nghiệp, bất chấp hiểm nguy để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến.

Ông Patrick Chauvel, Phóng viên ảnh chiến trường chia sẻ: “Tất cả những phóng viên ảnh có mặt trên bức tường này, họ đều nhiều tuổi hơn tôi. Họ là những người thầy đã dìu dắt tôi trong nghề, đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi. Tôi rất xúc động khi nhìn lại hình ảnh của họ”.

Triển lãm ảnh Hồi niệm trưng bày những bức ảnh của cuốn sách “Hồi niệm”, do 2 phóng viên ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam thưc hiện, đó là Hors Fass, nguyên Giám đốc hãng tin AP tại Việt Nam và Tim Page, một phóng viên ảnh người Anh.

Bộ ảnh từng được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó được đưa đến trưng bày tại Việt Nam như một món quà người dân Kentucky (Mỹ) tặng nhân dân Việt Nam với tinh thần “Hy vọng, Hàn gắn và Lịch sử”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước