Tư vấn du học tại Liên bang Nga. Ảnh: Hà Nội mới
Từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hàng trăm chuyên gia kỹ sư nhiều chuyên ngành, đến nay Nga vẫn luôn là một trong những nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam. Ngày nay, ngoài việc giữ mối quan hệ truyền thống, hai nước cũng phát triển những hướng hợp tác mới để nâng tầm hợp tác giáo dục đáp ứng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Nga luôn là một trong những nước cấp cho Việt Nam số lượng học bổng Chính phủ nhiều nhất, đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng học bổng liên tục tăng. Các học bổng đào tạo gồm nhiều trình độ, từ cử nhân đến tiến sỹ, thuộc nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là năng lượng và năng lượng nguyên tử.
Ông Nguyễn Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Nga đào tạo một số lĩnh vực thế mạnh như công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, các ngành công nghệ thông tin, y dược…”.
Ngoài hợp tác giáo dục cấp Nhà nước, các trường Đại học Nga và Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp với nhau, thể hiện rõ nhất qua các chương trình hợp tác đào tạo chung hay trao đổi sinh viên.
Đáng chú ý là gần đây, nếu như tại Trung tâm giảng dạy tiếng Việt là Moscow và Saint-Petersburg, số lượng sinh viên học tiếng Việt giảm dần thì tại vùng Viễn Đông của Nga, số lượng sinh viên Nga học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông.
Ngoài hướng hợp tác giáo dục truyền thống, Nga và Việt Nam cũng đang phát triển hướng hợp tác mới. Một trong số đó là dự án thành lập Đại học Kỹ thuật Việt Nga trên cơ sở Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn với chương trình được dạy hoàn toàn bằng tiếng Nga. Trường sẽ trở thành một cơ sở đào tạo có chất lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.
Giáo sư Avdoshin Sergey, Trưởng khoa Kỹ thuật phần mềm, Trường Cơ học kinh tế, Moscow chia sẻ: “Tôi muốn bàn với trường Lê Quý Đôn việc thành lập trung tâm khoa học tại Hà Nội và TP.HCM trong khuôn khổ Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia và các nhà khoa học sang Việt Nam để thực hiện dự án này”.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến LB Nga vào cuối năm 2014, hai bên đã ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. Điều này thể hiện mối quan tâm đặc biệt của hai nước đến hợp tác giáo dục, vì chính những sinh viên Nga và Việt Nam sẽ tạo nền móng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.