Dệt may là một trong những ngành tiên phong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực nhiều tiềm năng trong việc đóng góp vào quá trình toàn cầu hóa và phát triển, hợp tác kinh tế thông qua sự tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đây là nội dung của buổi Hội thảo: Nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn 130 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam từ các lĩnh vực kinh doanh khác nhau đã tham dự sự kiện.
Dệt may là một trong những ngành tiên phong. Trong năm 2000, xuất khẩu ngành dệt may là khoảng 1,96 tỉ USD. Sau 14 năm, con số xuất khẩu của ngành này đã lên đến 24,7 tỷ USD. Tuy nhiên việc tham gia hội nhập chuỗi liên kết cung ứng đối với ngành cũng vẫn còn khó khăn nhất định.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng: “Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta cũng không thực sự được chủ động. Chúng ta chỉ tham gia dưới dạng tự phát, tức là trong tất cả các khâu của chuỗi, phần nào là phần chúng ta có thể dễ dàng đáp ứng nhất thì sẽ phát triển. Đấy chính là lý do khâu may, gia công phát triển mạnh hơn các khâu sản xuất cung ứng nguyên liệu cũng như thiết kế”.
Theo báo cáo từ hội thảo, hiện chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào phần thấp nhất trong chuỗi cung ứng: chủ yếu là lắp ráp, gia công, cung cấp phụ tùng thay thế, chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao sự hiểu biết về pháp luật các nước hay học hỏi từ các nước lớn được các đại biểu hết sức quan tâm.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Trước tiên cần đào tạo, tập huấn doanh nghiệp có kiến thức hiểu biết đặc biệt về luật pháp các quốc gia thành viên TPP, một khi hiệp định được thông qua. Do số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá đông (gần nửa triệu doanh nghiệp) nên chúng tôi sẽ phải sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập đối với các doanh nghiệp này. Thứ nữa là phải tạo được kết nối theo hiệp hội ngành hàng. Nhóm ngành hàng nào đi theo chuỗi giá trị nào cần phải có tập huấn cụ thể và chuyên sâu cho nhóm đó”.
Tiến sĩ Timothy S.Buehrer, Chương trình Kết nối thương mại và đầu tư ASEAN khuyến nghị: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nên biến việc tham gia thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN là một phần của việc tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải học hỏi các kỹ năng cụ thể như soạn thảo hợp đồng, vấn đề Logicstic… từ các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài như Microsoft, Fedex hay Baker& Mckenzie”.
Cũng theo các chuyên gia, thời gian tới, để hội nhập hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải chú ý nâng cấp chuỗi giá trị, tăng khối lượng sản xuất và hiệu suất bằng cách tối ưu hóa quy trình hiện tại, nâng cao hiệu quả của quy trình thanh toán, áp dụng những công cụ thanh toán cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!