Việt Nam đặt mục tiêu nâng chỉ số cạnh tranh quốc gia

Hải Nam - Chu Chỉnh (VTV4)-Thứ hai, ngày 16/03/2015 06:00 GMT+7

Việt Nam đặt mục tiêu nâng các chỉ số cạnh tranh quốc gia lên bằng với mức trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN. Ảnh minh họa

(VTV.vn) - Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu nâng các chỉ số cạnh tranh quốc gia lên bằng với mức trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN về các chỉ số này.

Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết này, các bộ, ngành và địa phương đã tạo được một số thay đổi tích cực trong việc rút ngắn các thủ tục và quy trình đầu tư, kinh doanh. Đây là nhận định được đưa ra tại buổi khởi động chuỗi hội thảo có chủ đề “Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam”, với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Thế giới và tổ chức USAID.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 19 đã tạo ra một chuyển động khác biệt từ Chính phủ, các Bộ và địa phương trong quyết tâm cải cách. Điều này đã được thể hiện ở việc thông quan biên giới đã nhanh gọn hơn, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh và nộp thuế đã được giảm đáng kể.

“Từ 10 thủ tục đã giảm xuống còn 5 thủ tục, từ 31 ngày hiện giảm còn 6 ngày, đó là về khởi sự kinh doanh. Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, trước đây, doanh nghiệp phải mất 872 giờ thì nay đã cắt giảm được khoảng 400 giờ” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói.

Trong năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu nâng các chỉ số cạnh tranh quốc gia lên bằng với mức trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN về các chỉ số này. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, chuỗi hội thảo sẽ giới thiệu kỹ thuật đánh giá 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam. Các chỉ số này bao gồm: Tiếp cận điện năng, giao dịch thương mại qua biên giới, thực thi hợp đồng, đăng ký quyền sở hữu tài sản, tiếp cận tín dụng, giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng, xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bảo vệ cổ đông thiểu số, khởi sự doanh nghiệp.

Bà Joanna Nasr, Chuyên gia nhóm Doing Business, Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Hầu hết những chỉ số này hướng đến xác định hiệu quả của môi trường kinh doanh. Điều này bao gồm nhiều yếu tố như thời gian xử lý, sự thuận tiện và chi phí cho các thủ tục kinh doanh. Việc nghiên cứu hiệu quả của môi trường kinh doanh là rất quan trọng, ngoài ra cũng cần quan tâm đến chất lượng của các luật pháp và thể chế.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước