Việt Nam đang hết sức nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa
Cải cách thể chế nhằm thúc đẩy cạnh tranh và kiểm soát độc quyền - đó là những biện pháp Việt Nam cần thực hiện khi mà trong năm 2014, độc quyền và việc chiếm lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường nội địa là các vấn đề nổi cộm.
Hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015”do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức. Tại đây, báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 cũng được đưa ra, cho thấy tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2014 đã rõ hơn, tuy nhiên vẫn chưa bền vững. Trong đó, phục hồi tăng trưởng chủ yếu chỉ diễn ra ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và nông lâm nghiệp - thủy sản. So sánh với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình và thấp hơn các nước khác và việc tăng năng suất lao động là yếu tố cần đặt lên hàng đầu.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cải cách thể chế là một trong những giải pháp cần được chú trọng, việc thay đổi này đã và đang được thể hiện ở các nỗ lực của Việt Nam trong việc ban hành, sửa đổi và bổ sung các bộ luật liên quan.
Nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm qua còn thể hiện trong việc hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong số đó có thể kể đến dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam với Chính phủ Australia từ tháng 6/2014 với trọng tâm là hỗ trợ kỹ thuật của phía Australia cho Việt Nam.
Ông Paul Hollis, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi hỗ trợ phía Việt Nam trong việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ. Dự án này còn tập trung vào mảng tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể là ngành gạo, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh để dần dần thúc đẩy thị trường tự phân bổ được”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ổn định của kinh tế vĩ mô và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng, Việt Nam cần tập trung hơn đổi mới hệ thống thể chế kinh tế. Bên cạnh đó, sửa chữa khiếm khuyết thị trường, thuận lợi hóa thị trường và duy trì trật tự, kỷ luật thị trường vẫn tiếp tục cần được duy trì và làm sâu sắc hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.