Việt Nam tiến bộ trong thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Ngọc Bích - Thục Linh (VTV4)-Thứ tư, ngày 19/11/2014 06:00 GMT+7

Ảnh: Báo tin tức

Trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức của Diễn đàn hợp tác Á - Âu về quyền con người, Việt Nam đã đề xuất hội thảo bên lề với chủ đề Thỏa ước lao động tập thể.

Hội thảo thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tích cực của ASEM cũng như Hội đồng nhân quyền. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư, tất yếu phải đảm bảo quyền cho người lao động. Vậy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ gì và các chuyên gia nước ngoài nhìn nhận thế nào về sự thay đổi môi trường lao động của Việt Nam?

Đối thoại tại nơi làm việc là nỗ lực đẩy mạnh quy chế dân chủ của các doanh nghiệp Việt Nam, để bộ máy sản xuất, điều hành, quản trị của doanh nghiệp vận hành được hiệu quả.

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới chủ sử dụng lao động cho rằng: “Đối thoại xã hội là điều mới được đưa vào Luật Lao động, đối thoại xã hội là hình thức tiên tiến trong việc xúc tiến, thúc đẩy quan hệ hài hòa giữa chủ sở hữu lao động, người quản lý lao động và người lao động, công nhân. Bằng cách đó giảm thiểu những cách hiểu sai trong việc thực thi pháp luật lao động, giảm thiểu đình công trái pháp luật, cũng như tạo ra mối quan hệ lao động tốt đẹp, bình đẳng, dẫn tới nâng cao năng suất lao động, tạo hiệu quả cho doanh nghiệp”.

Điều 65 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của mỗi bên”. Đối thoại xã hội mới chỉ là một trong rất nhiều tiến bộ của Việt Nam trong Thỏa ước lao động tập thể.

Ông Florian J.Beranek, Cố vấn trưởng dự án Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc chia sẻ: “Việt Nam hiện nay so với 5 năm trước, doanh nghiệp đã nhận thức được nhiều hơn rằng chỉ trả lương cho công nhân. Đây cũng là sự chuyển mình lớn nhất trong môi trường lao động Việt Nam và phù hợp với lực lượng lao động trẻ hiện nay. Cái họ cần không chỉ là lương cao, mà là một môi trường được phát triển, được thể hiện khả năng và được công nhận, môi trường được đối thoại mở. Có thể hình dung câu chuyện năng suất doanh nghiệp đơn giản thế này: Bạn muốn có thêm giá trị cho chuỗi sản phẩm của công ty mình thì phải phát huy sự sáng tạo của người lao động, dựa trên việc trao quyền được tham gia, quyền được lên tiếng cho người lao động”.

Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động trong 4 năm (từ 2008 đến 2012) đã tăng từ 59,48% lên 72,15%. Vai trò của người lao động ngày càng được chú trọng hơn trong các Luật và Bộ luật.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: “Để lượng hóa thì khó nói, nhưng tôi dám chắc ở Việt Nam, Bộ Luật lao động và các quy định của Chính phủ đều nghiêng về người lao động, vì người ta quan niệm đấy là tầng lớp đang rơi vào thế yếu, vì thế cần phải bênh vực, cần phải bảo vệ, và vì thế hầu hết các văn bản bằng lời đều nghiêng về phía người lao động, cả về việc làm, tiền lương, bảo hiểm, điều kiện lao động, nói cách khác tất cả những gì liên quan đến con người đều nghiêng về người lao động”.

Ngày Quốc tế Lao động năm nay lấy chủ đề "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" càng khẳng định hoạt động đối thoại đóng vai trò quan trọng là “cầu nối” giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước