Làng nghề Trường Sơn – Điểm đến mới thu hút du khách

Trâm Anh - Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 09:27 ngày 11/02/2021

VTV.vn - Làng nghề Trường Sơn (Nha Trang) ra đời và tạo ra sức hút khi rất nhiều người dân và du khách tìm đến để tham quan và trải nghiệm.

Chào đón du khách ngay từ lối vào là hàng ngàn đóa hoa rực rỡ, đua nhau khoe sắc. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Điểm nhấn của Làng nghề Trường Sơn đó chính là khu trưng bày – nơi tôn vinh những sản phẩm và giá trị của những nghề truyền thống có tuổi đời trăm năm ở xứ Trầm. Nghề dệt chiếu cói Vĩnh Thái….Nghề gốm Lư Cấm….cho đến nghề đan lưới đăng, kết mành ốc... và còn rất nhiều nghề truyền thống khác nữa. Tất cả đều được trưng bày trong một không gian và được các nghệ nhân trực tiếp thao tác tạo nên sản phẩm.

Không chỉ được xem quá trình tạo nên sản phẩm, mà du khách còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị của những sản phẩm thủ công truyền thống ấy. Như sản phẩm chiếu cói Vĩnh Thái từng được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi màu sắc sợi lát nhuộm rất đẹp theo một công thức riêng, chiếu dệt dày, cuốn biên ngoài đẹp, chắc chắn. Thế nhưng, theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều thiết bị máy móc ra đời hỗ trợ đã khiến cho những nghề thủ công truyền thống khác ở Khánh Hòa nói chung đang dần bị mai một. Chính vì thế, việc quy tụ và tái hiện những nghề truyền thống ấy đã tạo nên một sản phẩm khác biệt, mang đến nhiều giá trị thu hút du khách.

Và không chỉ với du khách Việt, mô hình thu nhỏ những làng nghề truyền thống xứ Trầm cũng chính là cách giới thiệu sinh động nhất đến bạn bè quốc tế về một Việt Nam đang cố gắng gìn giữ những tinh hoa, những di sản cha ông để lại và phát huy, sáng tạo nó. Từ đó, hiểu hơn về văn hóa, lối sống của con người Việt Nam ở mỗi một vùng quê. Không chỉ nổi bật với khu trưng bày làng nghề truyền thống, đến với Làng nghề Trường Sơn, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng 10 tác phẩm vừa đạt kỷ lục Việt Nam đang được trưng bày tại đây. Đây đều là những tác phẩm rất kỳ công và ấn tượng, vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang giá trị văn hóa sâu sắc.

Nổi bật trong số 10 tác phẩm đó chính là Mô hình quả bầu hồ lô lớn nhất được kết nối từ 542 quả bầu nhỏ viết tay tác phẩm Truyện Kiều bằng thư pháp Việt. Phải mất hơn 1 năm cho công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và phơi khô. Và phải mất thêm khoảng 3 tháng miệt mãi, tỉ mẫn từ khâu chọn lựa, phân loại, làm sạch, tạo màu, tạo hình hồ lô cho đến việc viết tay 3254 câu Kiều bằng thư pháp. Ngoài ra, những tác phẩm khác cũng đều cho thấy sự kỳ công và sáng tạo của người nghệ nhân như: Mô hình đàn chim yến đang bay lượn đan bằng sợi tổng hợp có số lượng nhiều nhất, hai bức tranh cát (vuông và tròn) tạo hình bằng chữ Thư pháp lớn nhất, bộ 4 bản đồ hành chính Việt Nam thực hiện thủ công bằng các nguyên liệu tự nhiên của địa phương trên hai mặt lớn nhất, Bộ 8 bức tranh thư họa, thư pháp Tâm linh kích thước lớn nhất….

Điểm đặc biệt của những tác phẩm này đó là được tạo nên từ những nguyên liệu đặc trưng ở địa phương hoặc được sản xuất tại chính Làng nghề Trường Sơn trong suốt nhiều năm qua. Do đó, có thể nói, đây là những tác phẩm có một không hai. Tất cả đã mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.