Tại tỉnh Tiền Giang hàng trăm vòi nước công cộng đã được mở. Không chỉ mở rộng hệ thống cấp nước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang còn mở 51 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí dân nghèo. Các điểm này hoạt động 24/24 để người dân dễ dàng mang dụng cụ đến lấy nước. Nước ngọt đã tăng giá gấp 10 lần. Người dân phải chấp nhận sử dụng nước mặn để sinh hoạt. Chính vì vậy những điểm cấp nước như thế này vô cùng thiết thực, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Còn tại tỉnh Bến Tre, địa phương đầu tiên trong vùng công bố thiên tai cấp độ 2, đến nay hầu hết các nhà máy nước đều bị nhiễm mặn, chỉ còn có thể dùng để tắm giặt. Giữa lúc khó khăn này, việc có được nguồn nước sạch và ổn định để sinh hoạt hàng ngày là điều còn quý hơn cả vàng với người dân địa phương.
Với người dân xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, lâu nay nước mặn đã là điều bình thường và cần thiết cho nghề làm muối. Nhưng mùa khô năm nay gay gắt, đời sống bà con cũng bị ảnh hưởng.
Tại con kênh 9A, nguồn nước ngọt của toàn xã An Thủy, nhiều dấu hiệu cho thấy nước kênh đã nhiễm mặn đến mức nào. Trạm cấp nước Biên phòng, sau 15 năm hoạt động cũng phải tạm ngưng. Nhưng hơn 300 hộ dân đang dùng nước từ trạm vẫn không bị ảnh hưởng, nhờ có nguồn nước mới từ nhà máy khác đấu nối vào. Nguồn nước mới nhưng giá cũ, nhờ đó bà Thu không phải tốn tiền để đổi nước nấu ăn trong gần 4 tháng nay.
Theo dự báo, mùa khô hạn năm nay sẽ còn kéo dài và gay gắt hơn, nên trữ nước ngọt cũng là một giải pháp. Những ngày qua, đã có hàng ngàn bồn chứa và khoảng 600 mét khối nước sạch được chuyển đến cho người dân ven biển ở Bến Tre.
Giữa lúc hạn hán và mặn xâm nhập gay gắt, một bồn đầy nước ngọt thế này có khi còn quý hơn cả vàng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!