Đây là lần thứ 5 trong năm nay, anh Nguyễn Hữu Thái thực hiện tái đàn heo của gia đình sau khi 4 lần trước đó đều đã thất bại. Lúc thì heo được 20kg là chết, đợt cao nhất heo được 70kg cũng bị chết hàng loạt. Mỗi lần tái đàn là mỗi lần quy mô bị thu hẹp, việc chăn nuôi cũng không mấy hiệu quả. Tái đàn không hiệu quả tập trung chủ yếu ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại nhỏ, tức là từ 1.700 trang trại trước dịch thì đến nay chỉ còn 970 trang trại đang hoạt động. Chỉ tính riêng huyện Thống Nhất, thủ phủ chăn nuôi của Đồng Nai, hộ chăn nuôi gia đình đã giảm 1 nửa, tức từ 700 hộ xuống còn 300 hộ chăn nuôi so với lúc chưa xảy ra dịch tả heo Châu Phi.
Yếu tố sống còn đối với tái đàn trong thời điểm chưa có vắc xin tả heo Châu Phi chính là an toàn sinh học lại đang bị bỏ ngỏ đối với nông dân. Thiếu bài bản, thiếu khoa học trong chăn nuôi an toàn sinh học đang là tử huyệt đối với nông dân trong giai đoạn tái đàn. Vốn 1 lần kiệt quệ về kinh tế do dịch bệnh nên với nông dân, để đầu tư bài bản cho chuồng trại lúc này là bài toán khó. Chưa kể, hộ chăn nuôi cá thể vốn tự túc về các yếu tố đầu vào, sản phẩm đầu ra chủ yếu bán cho các thương lái nên chi phí, giá thành bị đẩy lên cao khiến hộ nhỏ lẻ thua thiệt về lợi thế cạnh tranh so với trang trại lớn. Tính tới tháng 7 năm nay, tổng đàn tại Đồng Nai tăng 15,15% so với năm ngoái, tập trung vào công ty chăn nuôi, trang trại lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!