10 năm phong trào xây dựng nông thôn mới, với 19 tiêu chí mà lúc đầu nhiều người nghe còn ngỡ như là khẩu hiệu nhưng giờ đi đâu, hỏi người nông dân nào, họ cũng biết nông thôn mới là thế nào, đã và đang thay đổi cuộc sống người dân ra sao.
Đến tháng 6 năm 2020, cả nước đã có gần 5.200 xã chiếm 58,2% đạt chuẩn nông thôn mới. 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được những kết quả này, đầu tiên phải kể đến vai trò của người dân địa phương. Nếu người dân không đồng lòng, không tự nguyện, nông thôn mới không thể về đích.
Vậy người dân đã thay đổi và chủ động xây dựng nông thôn mới như thế nào trên các khía cạnh của đời sống?
Xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai là nơi mà lúc đầu nhiều người còn e dè, băn khoăn khi hiến đất làm đường, nhưng tới giờ, việc làm đó đã trở thành phong trào lan tỏa khắp xã.
Trong một buổi đi vận động hiến đất làm đường từ 2017, đích thân Bí Thư, Phó Chủ tịch xã xuống từng nhà ở ấp 1, xã Sông Ray để bà con chia sẻ một ít diện tích đất mở rộng con đường.
Ông Lộc, sau buổi gặp gỡ, ông cũng phải đắn đo, đi đi lại lại trước mảnh đất nhà mình rất nhiều lần, vì giá trị khoảng 300 m2 đất quy đổi ra tiền sẽ rất nhiều.
Tuy nhiên, ông lại nghĩ đến hàng xóm, rồi đến nhà mình, vườn ngô vì sẽ dễ dàng chở hàng đi bán hơn. Mình thuận lợi hơn, hàng xóm cũng cũng có lợi thế. Vậy là ông quyết định hiến đất, không chỉ cho đi, ông cũng trực tiếp tham gia vào dọn dẹp, rải đá để con đường trước nhà mình khang trang, rộng hơn.
Còn ông Hà, cũng rất băn khoăn rất nhiều, thậm chí còn phải nói chuyện nhiều lần cùng vợ con để tìm sự ủng hộ. Hơn 200 m2 đất nhà ông cũng được cắt ra để địa phương mở rộng con đường trước nhà.
Ở xã Sông Ray, từ ấp1, đến ấp 2 đến các ấp khác, có những nơi, trải qua 3 năm với 10 cuộc họp, thậm chí có nơi lên đến 16 cuộc, người dân các ấp mới thống nhất hiến đất mở đường. Nhớ lại những ngày đó, lãnh đạo xã Sông Ray dù thấy vất vả nhưng ý nghĩa, vì quan trọng người dân nhận ra lợi ích của mình để mà sẵn sàng hiến đất.
Tinh thần người người nhà nhà sẵn sàng hiến đất làm đường, mở rộng đường ở Sông Ray chỉ là một phần của tinh thần hiến đất làm đường khắp tỉnh Đồng Nai. Cũng nhờ thế mà tỉnh này là một trong hai tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục nâng cao hơn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay, 100% các tuyến đường khu vực nông thôn trong tỉnh với tổng chiều dài khoảng 3.000 km đã được cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn toàn tỉnh là trên 8.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.270 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa và từ những đóng góp của nhân dân.
Nông thôn chuyển mình từ mô hình "sáng - xanh - sạch - đẹp"
Một lát cắt khác trong vấn đề xây dựng nông thôn mới là bảo vệ môi trường. Vệ sinh môi trường là tiêu chí mà rất nhiều địa phương đau đầu, bởi nhận thức người dân còn chưa cao, nhiều người dân còn chưa quen việc gom rác, xử lý các loại rác thải.
Thế nhưng, ở nhiều nơi, khi người dân ý thức được họ chính là chủ thể hưởng lợi từ nông thôn mới thì sống xanh cũng là mục tiêu mà người dân thấy tự phải thay đổi, thậm chí thay đổi một cách tích cực, đến chính quyền địa phương cũng phải ngỡ ngàng.
Tại xã Bình Lợi, một xã nông thôn mới điển hình của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trong suốt 5 năm qua, từ trong nhà ra ngoài ngõ, hàng chục km các con đường liên ấp, liên xã đều đã được người dân chung tay nhựa hóa, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa. Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhưng Bình Lợi đã bứt phá trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên, duy nhất của tỉnh Đồng Nai và khu vực phía Nam.
Phân loại rác thải, tái chế rác thải giúp nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Mảnh đất 8.000 m2 trước đây trồng tràm, thu nhập hàng năm chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng. Sau khi chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, Tết năm nay, gia đình bà Nga dự kiến thu về hơn nửa tỷ đồng từ 200 gốc bưởi.
Từ trái bưởi thương phẩm, đến sản xuất tinh dầu bưởi, rồi việc tận bã vỏ bưởi để nuôi các loại ấu trùng như thế này tiếp tục phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Người dân không chỉ phấn khởi vì thu nhập được nâng cao, mà còn tự hào khi chính bàn tay mình đã tạo ra tạo nên một quy trình khép kín cho quả bưởi, thân thiện với môi trường.
Sáng - xanh - sạch - đẹp không còn nằm trên các bảng tuyên truyền mà nó đã hiện hữu trong từng ngõ, từng nhà. Đến xã Bình Lợi đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh các chị em vui vẻ vừa trồng hoa, trò chuyện, vô lo vô nghĩ mà tận hưởng cuộc sống làng quê ngày càng văn minh, hiện đại. Làng quê khoác lên mình một màu áo mới, tình làng nghĩa xóm từ đây cũng trở nên gắn kết, keo sơn hơn.
Các loại rác tưởng như bỏ đi đã được người dân tái sử dụng thành phân vi sinh, rất hữu ích cho môi trường.
Sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến phát triển bền vững
Đường sạch, làng quê xanh, giờ đây, người dân còn chủ động sản xuất sạch. Nông thôn sẽ là vùng chuyên canh nông sản chủ lực để làm lương thực cho quốc gia và xuất khẩu. Khi nông thôn mới xác định là hướng đi bền vững thì với người nông dân, sản xuất sạch cũng là hướng đi bền vững không chỉ cho họ, cho con cháu mà còn cho cả làng quê, đồng bào mình.
Vườn tiêu xanh mướt, trĩu quả, ít sâu bệnh của ông Thắng (xã Suối Cao, Xuân Lộc, Đồng Nai) là trái ngọt cho một quá trình kiên trì đi theo hướng sản xuất sạch. Thay vì sử dụng phân hóa học như trước kia, thì nay, ông dùng đậu nành để sản xuất phân hữu cơ bón cho tiêu. Không những giảm một nửa chi phí, sản phẩm tiêu của ông cũng đang được địa phương hỗ trợ làm thương hiệu để tiêu thụ ở những thị trường lớn hơn.
Cũng nhiều năm trăn trở với thực phẩm sạch, anh Tính quyết định tự mình sản xuất chuỗi mô hình hữu cơ. Xử lý phân gà từ việc chăn nuôi để làm phân cho việc trồng trọt, hoàn toàn không sử dụng hóa học cho những sản phẩm mình trồng
Hiện Xuân Lộc hiện có gần 600 mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; quan trọng hơn là nhiều sản phẩm sạch được chính người dân địa phương tin dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi người dân đã dần nhận thức được giá trị cốt lõi khi tạo ra một sản phẩm nông nghiệp là phải sạch, từ đó hướng họ đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Để có thể thay đổi được thói quen sản xuất của nhiều người dân hơn nữa vẫn cần thêm một hành trình dài để tác động. Thế nhưng, sản xuất sạch sẽ là xu hướng tất yếu nếu muốn phát triển bền vững và thay đổi sẽ khiến kinh tế đổi thay.
Nếu xây dựng nông thôn mới chỉ là phong trào, khẩu hiệu trong suốt 10 năm qua thì khó có thể được chứng kiến được những câu chuyện về hiến đất làm đường, bảo vệ môi trường hay sản xuất sạch tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Khi phong trào đi sâu vào thực tế đời sống của người dân, để người dân thấy mình trực tiếp là người hưởng lợi, những khẩu hiệu không chỉ còn dừng ở việc miệng nói, mà đầu đã nghĩ và tay chân hành động.
Không chỉ có những mặt đã nêu trên mà thực sự trên nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa... cũng nhận được sự tích cực chủ động của người dân để dần biến bộ mặt nông thôn chuyển mình, đi lên cùng đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!