2021 - Năm thiên tai kép của Đồng bằng sông Cửu Long

Thế Hà - Đức Dương-Thứ ba, ngày 30/03/2021 14:53 GMT+7

VTV.vn - Tình hình hạn mặn năm nay được dự đoán rất phức tạp cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19, có thể nói năm nay là một năm thiên tai kép với nhiều người dân ở ĐBSCL.

Hậu quả của đợt hạn mặn vượt mọi kỷ lục năm ngoái vẫn còn hiển hiện dọc quốc lộ đi về miền Tây. Hàng loạt vườn cây đã chết khô trơ cành. Hệ thống tưới tiêu vẫn còn nhưng hy vọng cứu cây thì đã hết.

Theo ghi nhận của PV Thế Hà tại hiện trường, những hàng sầu riêng chết khô vì hạn hán và xâm nhập mặn. Năm ngoái, cả ĐBSCL đã có 25.000 hecta cây trồng bị thiệt hại do hạn mặn. Tình hình năm nay được dự đoán cũng rất phức tạp, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19, có thể nói năm nay là một năm thiên tai kép với nhiều người dân ở ĐBSCL.

Bến Tre là một trong những tỉnh thiệt hại nặng nhất. Có tới 13.500 ha cây trồng ảnh hưởng. Trong đó, gần 5.500 hecta mất trắng.

Một số vườn bị nhẹ hơn, lá cũng khô héo như vườn chôm chôm này. Nông dân vẫn cố gắng bơm nước tưới mong cứu lại nhưng năm nay tuyệt nhiên không thể trông mong ra hoa kết trái được nữa.

Nông dân cho biết, năm ngoái, chính quyền hỗ trợ thiệt hại cho bà con 400.000 đồng mỗi công đất, tương đương với 1.000 mét vuông. Nhưng bà con hầu hết đã tự nguyện bỏ ra 250.000/công đất, để đóng ngược lại, gom góp với nhau làm cống, làm đập tạm để ngăn mặn cho năm nay.

Nhiều địa phương lên kế hoạch ứng phó

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo dự báo, tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay có phạm vi ảnh hưởng đến 8 tỉnh ven biển. Từ tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát và ban hành Chỉ thị số 36, yêu cầu các tỉnh, thành chủ động vào cuộc để ứng phó. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai hàng loạt công tác phòng chống.

- Tỉnh Bến Tre năm nay đã đưa vào sử dụng 50 cống và gần 1.000 đập ngăn mặn từ cả nguồn ngân sách lẫn xã hội hóa từ doanh nghiệp và người dân đóng góp. Nhiều nơi dân tự bảo nhau đắp đập tạm ngăn mặn.

- Tỉnh Bạc Liêu đã lên phương án đắp 448 con đập ngăn mặn. Tổng kinh phí cho công tác phòng chống hạn, mặn lên đến 21 tỷ đồng.

- Trong khi đó, các tỉnh bị ảnh hưởng nhẹ hơn như Cà Mau đã chính thức đóng cửa rừng từ 1.1 để phòng cháy do hạn hán. Trong khi tỉnh Sóc Trăng thì đưa ra khuyến cáo bà con không sản xuất lúa Đông Xuân vùng thiếu nước để giảm thiệt hại.

Bây giờ đang là thời điểm tháng 3, nghĩa là cao điểm hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, những thiệt hại phát sinh từ thiên tai của năm nay được ghi nhận là không đáng kể. Mà nguyên nhân chính là nhờ nhân dân, chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch chủ động phòng chống ngay từ mùa mưa.

Chủ động phòng chống ngay từ đầu mùa

Rút kinh nghiệm năm ngoái, từ trước mùa khô năm nay, ông Sáu Khiêm đã đào sẵn 1 cái hào sâu 2 mét, lót nylon để trữ nước ngọt. Gần nhà cũng xây mới 1 bể chứa hơn 50 khối để phòng hờ.

Khắp miền Tây, đi đâu cũng thấy chính quyền, người dân đang đắp đập ngăn mặn. Đập Thanh Trung ở Chợ Lách, Bến Tre vừa khánh thành 1 tháng rưỡi, đã liên tục hoạt động hết công suất.

Chỉ có thể nói là trong cái rủi có cái may, sau hoạn nạn người dân chính quyền lại càng đoàn kết. Năm nay, nhờ tinh thần chủ động ứng phó, đã giảm rất nhiều thiệt hại cho bà con.

Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho hay: "Đẩy nhanh tiến độ đẩy nhanh các công trình đang đầu tư theo cơ chế hỗ trợ 50% còn huyện và nhân dân cùng làm. Đến giờ thì thiệt hại không đáng kể".

Về lâu dài, Bến Tre được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn hỗ trợ hơn 6.000 tỷ, đang xây dựng 8 cống lớn và hệ thống đê, cống nhỏ để chống hạn, mặn.

Nhà máy nước Lương Qưới ở Bến Tre cũng đang giảm 30% giá vận chuyển nước thô từ thượng nguồn về cho bà con. Mùa hạn, mặn năm nay vẫn còn hơn 1 tháng nữa, nhiều vườn cây trái đang vươn mầm xanh, mang theo hy vọng mới cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước