An Giang: Tăng cường vị thế liên kết vùng, tầm nhìn hướng đến năm 2045

Linh Chi - D.T.-Thứ năm, ngày 16/02/2023 07:53 GMT+7

VTV.vn - An Giang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng xã hội nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tình.

Theo kế hoạch được đề ra, từ nay đến năm 2030, tỉnh An Giang sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội, đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng về lúa gạo, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây ăn trái; đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia. Đồng thời, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử; củng cố quốc phòng và an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, tỉnh An Giang phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7%/năm. Quy mô nền kinh tế tỉnh đến năm 2030 gấp khoảng 2 lần so năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 25%, dịch vụ khoảng 50%, thuế và trợ cấp khoảng 5%. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 157,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt khoảng 75%...

Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của liên kết vùng và vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng ĐBSCL và cả nước. Triển khai thực hiện các chính sách phát triển vùng và đẩy mạnh liên kết vùng. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp tham gia các hoạt động hợp tác với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, ASEAN và các định chế quốc tế khác. Triển khai thực hiện các bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Chủ động hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng, các công trình, dự án có quy mô liên tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị có động lực cũng được tỉnh An Giang tập trung đầu tư, phát triển, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị. Phát triển thành phố Long Xuyên thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Từng bước hình thành các đô thị nông - công nghiệp gắn với xây dựng trung tâm đầu mối của tỉnh và du lịch nông nghiệp - nông thôn.

An Giang: Tăng cường vị thế liên kết vùng, tầm nhìn hướng đến năm 2045 - Ảnh 1.

Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông.

Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, kết nối thuận tiện với các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch. Liên kết, hợp tác đầu tư kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với phát triển các hành lang kinh tế.

Mặt khác, tỉnh An Giang cũng có kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực và nhu cầu của thị trường. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao bao gồm nhóm ngành hàng chủ lực: Lúa gạo, cá tra, rau-màu, cây ăn trái và nhóm ngành hàng tiềm năng: Chăn nuôi bò; chăn nuôi heo; nấm ăn-nấm dược liệu và cây dược liệu. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững; khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp truyền thống và chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, thị trường cũng sẽ được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, khai thác tốt thị trường trong nước, phát triển các thị trường xuất khẩu tiềm năng có giá trị cao, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc và Campuchia theo hướng tận dụng lợi thế của các sản phẩm nông sản tỉnh tại các hiệp định thương mại tự do; ứng dụng thương mại điện tử trong phân phối sản phẩm. Xây dựng thương hiệu du lịch và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số…

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm phát huy các thế mạnh, tiềm năng và tạo sự liên kết vùng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng mức xếp hạng các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế; phát triển kinh tế biên giới trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, An Giang có trình độ phát triển khá, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao, trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động trong ngắn hạn, gia công lắp ráp, công nghiệp năng lượng tái tạo. An Giang là trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái của vùng và cả nước; là đầu mối và cửa ngõ giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước