Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn

Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 25/01/2021 12:11 GMT+7

VTV.vn - Từ cầy hương, dúi, nhím, kỳ đà… thậm chí, cả những loài nằm trong sách đỏ như tê tê cũng đang xuất hiện trong thực đơn của không ít nhà hàng, ngay tại thủ đô.

Khi thịt thú rừng vẫn đang là món ăn khoái khẩu của một bộ phận người dân thì rất cần thêm những chế tài mạnh hơn để bảo vệ động vật hoang dã và sức khỏe của chính con người.

Cuối năm là mùa sinh sản của nhiều động vật hoang dã. Và trớ trêu thay cũng là thời điểm xuất hiện nhu cầu cao về thịt thú rừng, phục vụ cho các cuộc liên hoan, ăn uống.

Tràn lan nhà hàng bán thịt động vật hoang dã

Loài nào cũng có, thậm chí là những loại động vật nằm trong sách đỏ, được các nhà hàng tại Hà Nội sẵn sàng đưa lên bàn nhậu cho thực khách.

Trong thực đơn của một nhà hàng tại quận Long Biên, Hà Nội, đủ các loại động vật rừng như rắn, nhím, kỳ đà, cầy hương, don rừng… được chế biến thành hàng chục món ăn hấp dẫn. Theo chủ nhà hàng, tất cả đều có sẵn và vẫn còn tươi sống.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn - Ảnh 1.

Một chủ nhà hàng giới thiệu món ăn từ động vật hoang dã.

Các loại động vật mà chủ nhà hàng khẳng định được bắt từ trên rừng về đang được nuôi nhốt để chờ giết thịt. Tùy độ quý hiếm mà mỗi loại lại có giá khác nhau, ví như rắn chỉ khoảng 500.000 đồng/con nhưng dúi hay don thì giá trên dưới 1 triệu đồng. Cầy hương giá hơn 3 triệu đồng/kg, thậm chí có cả những loại động vật quý hiếm như cá thể kỳ đà vân, loài bị nghiêm cấm buôn bán kinh doanh dưới mọi hình thức thì ở đây cũng sẵn sàng cho vào nồi, chế biến thành hàng chục món.

Một nhà hàng khác cũng ở quận Long Biên và chuyên kinh doanh thịt thú rừng nhưng để dễ qua mắt cơ quan chức năng, những món đồ rừng được giới thiệu trong một cuốn thực đơn riêng, chỉ khi khách thực sự có nhu cầu mới đưa ra.

Trong những chiếc chuồng sắt chật hẹp tại một nhà hàng ở quận Cầu Giấy cũng nhốt đầy các loại thú mà chủ nhà hàng khẳng định là thú rừng. Để khách hàng thêm tin tưởng, chủ nhà hàng sẵn sàng mời thực khách vào bếp, tận mắt xem quy trình chế biến thịt thú rừng để đảm bảo tất cả đều là đồ tươi sống.

Chỉ sau khoảng 20 phút chế biến, những con dúi vốn chỉ sống ở các vùng núi cao, đào hang sâu dưới đất và ăn các loại tre, trúc… đã trở thành một món đặc sản để đãi khách nơi thành phố.

Thông tin từ các cuộc điều tra khảo sát hơn 50 nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam cho thấy, có tới 42 nhà hàng vẫn ngang nhiên buôn bán các loại động vật rừng.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn - Ảnh 2.

Một chuồng nuôi nhốt động vật hoang dã trong nhà hàng ở Hà Nội.

Ăn thịt hay tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã tại các nhà hàng mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo thống kê của CHANGE - Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển, Việt Nam còn là điểm trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới.

Như từ năm 2000 - 2019, cơ quan chức năng đã bắt giữ 175 vụ vận chuyển, buôn bán ngà voi với hơn 290 tấn, tương đương 43.000 cá thể voi.

Từ năm 2006 - 2020, khoảng 2,5 tấn sừng tê giác, chiếm tới 31% tổng lượng sừng tê giác trên cả thế giới cũng bị thu giữ.

Cũng theo báo cáo, Việt Nam và Nigeria là 2 quốc gia chiếm tới 70% lượng săn bắt tê tê trên thế giới.

Săn bắt trái phép động vật hoang dã bằng bẫy dây

Còn theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF, ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã, trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Số lượng bẫy ước tính tại Việt Nam, tại bất kỳ một thời điểm nào, là hơn 5 triệu bẫy, tương đương 110,7 bẫy/km2.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn - Ảnh 3.

Một thú rừng đang được giải cứu khỏi bẫy dây.

Mật độ bẫy tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là 880 bẫy/km2, cao nhất trong khu vực, đã có gần 128.000 bẫy thú được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2011-2019 ở khu vực này.

Trung bình mỗi năm tháo gỡ được hơn 14.000 chiếc. Những bẫy phần lớn do bọn săn trộm đặt này đang cung cấp nguồn động vật hoang dã cả hợp pháp và bất hợp pháp cho các trung tâm đô thị và thậm chí xuyên quốc gia.

Không chỉ làm suy giảm nghiêm trọng sự đa dạng sinh học của tự nhiên, việc tiêu thụ thú rừng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ: ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cũng cho biết, các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang con người có thể làm 2 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.

Ví như dịch cúm gia cầm H5N1, bắt nguồn từ các loài chim hoang dã; virus SARS truyền từ dơi sang cầy hương hay MERS là một chủng virus corona có liên quan tới lạc đà. Lợn rừng, loại được tiêu thụ phổ biến tại Việt Nam, cũng là loài mang nhiều mầm bệnh lây truyền nhất, trong tất cả các loài được buôn bán tại thị trường châu Á, bao gồm cúm lợn, virus Rota gây ra các bệnh như tiêu chảy.

Nhiều cá thể gấu được giải cứu tại Việt Nam

Ngày 23/11/2020, Tổ chức Four Paws phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã tổ chức bàn giao và tiếp nhận 7 cá thể gấu ngựa từ 2 trang trại trong đó có 1 cá thể có màu lông vàng hiếm lạ. Đây là những cá thể đã sống nuôi nhốt trong 20 năm. Chủ nuôi tự nguyện bàn giao gấu với nguyện vọng cá thể được sống trong môi trường bán tự nhiên phù hợp với loài. Đây là sự kiện tiếp nhận gấu lần thứ 5 trong năm 2020.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn - Ảnh 4.

Các cá thể khi về đến cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ được chăm sóc đặc biệt trong khu vực cách ly kiểm dịch và sẽ ở đây trong 3 tuần. Trong thời gian này, gấu sẽ được chăm sóc thú y tích cực, làm quen với nhân viên chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với loài và bắt đầu các bài tập đầu tiên giúp phục hồi bản năng của loài sau thời gian dài bị nuôi nhốt.

Tổng diện tích khu vực là 5 ha, mỗi cá thể gấu tối thể có 500-700 m2 để hoạt động trong khu vực bán hoang dã. Hiện tại có tất cả 40 cá thể gấu được nuôi ở đây, trong năm 2020 vừa qua, có tất cả 13 con gấu được giải cứu, trong đó có 7 cá thể gấu ở Bình Dương, 3 cá thể gấu con ở Lai Châu, Sơn La.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần thêm chế tài mạnh hơn - Ảnh 5.

Một cơ sở bảo tồn gấu.

Cho dù nhận thức của người dân đã dần cải thiện nhưng hiện vẫn còn gần 385 cá thể gấu, chủ yếu là gấu ngựa, đang bị nuôi nhốt tại gần 124 cơ sở nuôi gấu hộ gia đình trên cả nước. Các cá thể gấu này bị suy dinh dưỡng, bị bỏ bê chăm sóc và có nguy cơ bị chết trước khi được đưa đến những nơi ở an toàn, phù hợp với tập tính loài gấu.

Cần thêm chế tài để bảo vệ động vật hoang dã

Năm 2020, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 29 về "Một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã". Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ, nhằm ngăn chặn một đại dịch tương tự như COVID-19 xảy ra trong tương lai cũng như cứu lấy các loài động vật hoang dã.

Tuy nhiên, với thói quen săn bắt, tiêu thụ của người dân hiện nay, nhiều chuyên gia vẫn kiến nghị cần tiến hành những nghiên cứu toàn diện, tăng thêm các chế tài mạnh hơn nữa và quan trọng nhất là phải thực thi nghiêm minh những quy định đã đặt ra.

Theo bà Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển, đại dịch COVID-19 là hồi chương cảnh tỉnh để cho mọi người thấy được sự liên hệ với việc buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam rất có khả năng sẽ trở thành điểm xuất phát tiếp theo của một đại dịch mới, nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước