Quảng Ngãi: Bế tắc trong xã hội hóa xử lý rác thải

Kim Dung (VTV8)-Thứ năm, ngày 11/06/2020 18:18 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc khủng hoảng rác thải ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), vì việc lòng vòng không chịu nhận sai mà chính quyền đã đánh mất lòng tin với nhân dân.


Quảng Ngãi: Bế tắc trong xã hội hóa xử lý rác thải - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng rác thải ở thị xã Đức Phổ

Quảng Ngãi đã kêu gọi đầu tư được 5 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt trong số trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng dân cư trong khu vực. Nổi cộm là vấn đề khủng hoảng rác thải trên địa bàn thị xã Đức Phổ kéo dài từ cuối tháng 7 năm 2018 cho đến nay, kể khi nhà máy xử lý rác thải MD ở Sa Huỳnh bị người dân phản ứng và yêu cầu di dời nhà máy đi nơi khác.

Là dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ có vốn đầu tư 52 tỷ đồng được đưa vào vận hành vào tháng 2 năm 2018, vừa thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày ở thị xã Đức Phổ, vừa xử lý bãi rác thải trên 22.500 m3 tồn đọng từ hơn 10 năm trước.

Hoạt động chưa bao lâu, cuối tháng 7 năm 2018, cho rằng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đức Phổ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và có nhiều sai phạm, người dân xã Phổ Thạnh đã tổ chức ngăn chặn, phong tỏa đường dẫn từ đường tránh quốc lộ 1 lên nhà máy. Nhiều lần đối thoại, dù người dân xã Phổ Thạnh đã liên lục phản ánh những vấn đề sai phạm trong quy hoạch, quá trình đầu tư, xây dựng và hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt MD tại xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và các ngành chức năng liên quan chỉ thừa nhận mỗi thiếu sót trong việc việc tổ chức họp dân, lấy ý kiến tham vấn cộng đồng. Các vấn đề còn lại đều đã làm đúng.

Chính quyền khẳng định làm đúng dự án: Phát biểu của ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Ngãi; ông Nguyễn Thịnh, nguyên Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Thế nhưng…

Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi công bố vào ngày 15 tháng 2 năm 2019 đã cho thấy có 3/5 vấn đề người dân kiến nghị là đúng: Vị trí đặt Nhà máy rác Sa Huỳnh vi phạm khoảng cách an toàn đến khu dân cư. Quá trình thực hiện dự án không tham vấn cộng đồng dân cư. Theo quy hoạch thì chỉ xử lý rác sinh hoạt của 3 xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh nhưng thực tế lại xử lý rác của cả thị xã Đức Phổ. Nhà máy vận hành khi nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện… Sau thanh tra, nhiều người mới vỡ lẽ trước những sai phạm của dự án.

Sau thanh tra, nhà máy sai hoàn toàn: Phát biểu của ông Huỳnh Quý- nguyên Bí thư huyện ủy Đức Phổ, Quảng Ngãi và Đại tá Võ Văn Dương, Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ngãi.

Lòng tin của nhân dân với chính quyền đã rạn vỡ. Việc giải quyết những vướng mắc ở dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh càng khó khăn hơn khi cái lý đã chính thức thuộc về những người dân khu vực nhà máy.

Chấp nhận sống chung với ô nhiễm do xử lý rác tại chỗ

Ngày nào cũng vậy, chiều đến, những cư dân vùng biển Sa Huỳnh lại xách rác ra bỏ ở các bãi chứa tạm. Cũng đã 2 năm nay, bên bờ biển xinh đẹp này đã xuất hiện những hố rác tự phát. Tự thu gom, xử lý bằng cách đốt rác tại chỗ cũng đồng nghĩa là cư dân ở địa phương phải sống chung với ô nhiễm kép do khói đốt, do rác thải không được xử lý rốt ráo. Bà con vẫn biết là đốt rác tại chỗ thì nó cũng chỉ cháy được một phần nào của rác thải thôi chứ không thể cháy hết được. Rồi cái mùi của rác đốt nó bay đi khắp nơi cũng rất khó chịu cho xóm làng. Trên thực tế, việc xử lý rác tại chỗ rất bất cập và làm gia tăng ô nhiễm kép về môi trường biển, đe dọa sức khỏe của người dân ở Đức Phổ. Song vì không còn cách nào khác nên đây cũng là giải pháp tạm thời được áp dụng cho cả thị xã Đức Phổ trong suốt 2 năm nay.

Chấp nhận sống chung với ô nhiễm rác thải nhưng người dân ở khu vực nhà máy vẫn kiên quyết phản đối việc tồn tại nhà máy xử lý rác sinh hoạt MD, dù rằng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề nghị chỉ để nhà máy hoạt động 2 năm để xử lý số rác thải 22.500 m3 tồn đọng từ bãi chốn lấp tạm từ hơn 10 năm trước.

Dân cháp nhận sống chung với ô nhiễm do xử lý rác tại chỗ nhưng không cho nhà máy rác hoạt động: Ý kiến của ông Trần Văn Loan và bà Đặng Thị Mười (thôn Thạch By 2, xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Giải pháp nào cho nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh?

Tháng 2 năm 2019, Bộ tài nguyên môi trường đã có đợt kiểm tra thực tế tại dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà cũng đã gợi ý cho tỉnh Quảng Ngãi 2 giải pháp xử lý: Một là di dời dân ra khỏi khu vực dự án. Hai là di dời nhà máy. Không thể để người dân sống trong khu vực nhà máy mà không đảm bảo được khoảng cách an toàn theo quy định của luật pháp.

Ngày 25/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã có buổi đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ về Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD. Tại buổi đối thoại, ông Lê Viết Chữ nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân xã Phổ Thạnh về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Dù có những ý kiến khác nhau, nhưng kết thúc đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ tiếp tục đề nghị người dân đồng thuận để nhà máy hoạt động đến tháng 9/2022.

Sau đối thoại, ngày 27 tháng 9 năm 2019, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lại có các văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt MD Sa Huỳnh tiếp tục hoàn thiện các hạng mục với sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng. Khi đảm bảo điều kiện sẽ đưa nhà máy hoạt động trở lại để xử lý khối lượng rác thải tồn đọng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đầu tháng 3 năm 2020, một lần nữa, trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, việc hoàn thiện các hạng mục của dự án không thể thực hiện. Không chỉ gia tăng mức độ phức tạp về trật tự an ninh trong khu vực. Một lần nữa, tốn thêm tiền đầu tư vào dự án nhưng không đem lại kết quả. Tất cả lại rơi vào bế tắc. Cho đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang lúng túng và chưa dứt khoát chọn giải pháp nào cho nhà máy.

Mới đây, ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết: "Sau khi có kết luận của cấp có thẩm quyền thì sẽ tính toán hoặc là di dời nhà máy hoặc là có thể là di dời dân ở vùng lân cận. Trước mắt thì địa phương sẽ tính toán lại cái lợi và cái hại của từng phương án cũng như là cái tính hiệu quả của từng cái phương án. Sau đó sẽ có đề xuất chính thức với cấp có thẩm quyền để quyết định về vấn đề của nhà máy MD".

Phát biểu của ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ

Dân khổ, doanh nghiệp thiệt hại và bài học về lòng tin với nhân dân

Treo băng rôn phản đối, phong tỏa đường dẫn vào nhà máy, cắt cử người canh giữ xung quanh khu vực dự án… - đó là thực tế vẫn đang diễn ra ở khu vực dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ. Để phản đối dự án, người dân bỏ cả công việc làm ăn.

Anh Nguyễn Văn Thạnh, thôn La Vân, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết: "Dự án đầu tư đã làm sai quy định của pháp luật,nhà máy lại tọa lạc trên đồi, ở đầu nguồn nước nữa, ngọn gió nên mức độ ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Người dân chúng tôi yêu cầu là phải di dời".

Ông Cao Đình Thắm ở thôn Thạch By 2 phân bua: "Hai năm nay, lo canh giữ để phản đối nhà máy, làm rõ các sai phạm của nhà máy, rồi còn phải đi khiếu nại từ tỉnh đến trung ương, chúng tôi cũng thiệt hại vì phải bỏ công ăn việc làm, lại tốn kém không ít nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ môi trường sống cho con cháu sau này. Chúng tôi yêu cầu nhà máy di dời sớm ngày nào tốt ngày đó".

Dân khổ vì chính quyền chậm giải quyết: Ý kiến của anh Nguyễn Văn Thạnh và ông Cao Đình Thắm (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi)

Phương tiện, thiết bị trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Một số đã bị hoen gỉ, cây cỏ bao phủ vì không hoạt động, không được bảo trì, bảo dưỡng. Sau 2 năm nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đức Phổ với vốn đầu tư 52 tỷ đồng dừng hoạt động, nhà đầu tư gánh chịu thiệt hại nặng.

Bà Lê Thị Mỹ Diệp, giám đốc Công ty TNHH Thương mại và công nghệ môi trường MD, chủ đầu tư dự án cho rằng tính cả phần mà lãi công ty vay nợ ngân hàng, khấu hao tài sản, rồi chi phí quản lý công nhân, vận hành nhà máy, lợi nhuận trên tổng doanh thu 70 tỷ đồng và cả tiền đầu tư lần 2 để hoàn thành 70% các hạng mục theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi… thì con số thiệt hại trong 2 năm đã lên hơn 30 tỷ đồng. Mong muốn của nhà đầu tư là tỉnh Quảng Ngãi nên sớm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm. Dù là chọn phương án nào thì cũng phải giải quyết sớm. Không nên để kéo dài, gia tăng mức độ thiệt hại cho doanh nghiệp, mất lòng tin với nhân dân.

Doanh nghiệp đầu tư thiệt hại: Ý kiến của bà Lê Thị Mỹ Diệp, GĐ Công ty TNHH Thương mại và công nghệ môi trường MD

Thẳng thắng nhìn nhận thì vấn đề khủng hoảng rác thải ở Đức Phổ có nguyên nhân từ vấn đề lòng tin bị đánh mất. Bởi lẽ nếu như người dân đồng thuận để nhà máy xử lý rác thải hoàn thiện và tái hoạt động trở lại chỉ trong thời gian đủ để xử lý 22.500 khối rác thải tồn đọng từ hơn 10 năm trước rồi mới di dời thì bế tắc đã được khơi thông. Doanh nghiệp không rơi vào thiệt hại. Chính quyền không phải đền bù cho việc di dời nhà máy từ cái sai của các cấp ngành chức năng. Địa phương thì xử lý được số rác thải khổng lồ đang tồn đọng và người dân thì không phải sống chung với ô nhiễm do xử lý rác thải tại chỗ. Thế nhưng vì việc lòng vòng không chịu nhận sai, chính quyền đã đánh mất lòng tin với nhân dân dẫn đến không tìm được lối mở để khơi thông bế tắc. Chắc chắn đây cũng là bài học không riêng dành cho Quảng Ngãi.

Bài học về đánh mất lòng tin với nhân dân: Phát biểu của ông Huỳnh Quý, Đại tá Võ Văn Dương và ông Hồ Thành Công

Ông Huỳnh Quý, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, Quảng Ngãi nhấn mạnh: Tôi cho rằng ở đây có một số cán bộ được giao nhiệm vụ chưa làm đầy đủ trách nhiệm của mình và có thể nói rằng thiếu trung thực và cái sự thiếu trung thực đó nó đến một cái độ là khi nó xảy ra sự việc rồi thì cũng không mạnh dạn nhận lấy cái sai sót này. Những người này sai thì dẫn đến người có thẩm quyền sai. Tôi nghĩ rằng, cái mà làm cho nhân dân họ bức xúc nhất là họ cho rằng cán bộ mình hổng thực với họ".

Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm: "Trong quá trình đối thoại với dân thì vẫn tin vào ngành chức năng cho nên hai cấp chính quyền vẫn cho là nhà máy đúng. Tuy nhiên, khi thanh tra, kiếm tra ra thì rõ ràng thấy nhà máy sai. Qua nhiều lần đối thoại, vận động như vậy thì dân nghi ngờ về cái sự cam kết của chính quyền. Do đó để tạo lòng tin cho dân thì tỉnh cũng đã bàn tới. Đó là chính quyền phải cam kết với dân bằng văn bản và có sự chứng kiến, giám sát của các cơ quan thông tấn báo chí để cùng giám sát việc thực hiện so với cái việc mà chính quyền đã nói trước đây với dân".

Ông Hồ Thành Công (Nhà thơ Thanh Thảo), TP Quảng Ngãi thì nhận định: "Đấy là cái lòng tin của nhân dân với chính quyền. Rõ ràng là khi anh không tạo được cái lòng tin giữa nhân dân với chính quyền thì thực sự là khó có thể có một cuộc đối thoại nào mà nó có thể có được cái kết quả tốt".

"Vấn đề là chính quyền làm thế nào anh phải tạo được lòng tin với nhân dân. Nói là phải làm. Anh làm là phải từng bước, từng bước. Phải công khai tất cả cái cách làm của anh với nhân dân và phải làm đúng cái kế hoạch như mình đã hứa thì có thể người dân người ta sẽ đồng thuận" - nhà thơ Thanh Thảo cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước