Bệnh đậu mùa khỉ liệu có liên quan tới những người đồng tính nam?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 29/05/2022 12:28 GMT+7

VTV.vn - TS.BS Trần Văn Giang cho biết, việc lây lan bệnh đậu mùa khỉ giữa người đồng tính nam có thể dễ dàng hơn nhưng tất cả mọi người cũng có thể lây nhiễm.

Bệnh đầu mùa khỉ có thể biến thành đại dịch như COVID-19?

Sau COVID-19, thế giới lại tiếp tục đối mặt với những căn bệnh mới, nguy hiểm và không có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh như: viêm gan bí ẩn ở trẻ em và đậu mùa khỉ.

Ngày 26/5, Tổ chức Y tế thế giới cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra hơn 20 quốc gia, với khoảng 200 trường hợp mắc bệnh và hơn 100 ca nghi mắc được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ liệu có liên quan tới những người đồng tính nam? - Ảnh 1.

Biểu hiện của bệnh đầu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ liệu có liên quan tới những người đồng tính nam? - Ảnh 2.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Ca bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các ca bệnh chủ yếu xuất hiện ở các nước Trung Phi và Tây Phi.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở châu Âu, vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi.

Anh là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tháng này. Đến nay số ca mắc tại Anh đã tăng lên hơn 90 người, tiếp đến là Tây Ban Nha (hơn 80 người), Bồ Đào Nha (35 người). Loại virus này còn xuất hiện ở khu vực châu Mỹ và Trung Đông.

Nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ

Các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát hiện tại khó có thể biến thành đại dịch như COVID-19 do virus không dễ lây lan như SARS-CoV-2.

Bệnh đậu mùa khỉ dễ nhận biết nhất thông qua những thay đổi trên da, bắt đầu bằng những tổn thương màu đỏ, sau đó đóng vảy.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh như nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch hoặc vết thương của động vật mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh không dễ lây lan giữa người với người.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Sự lây truyền thực sự xảy ra khi tiếp xúc cơ thể gần gũi, tiếp xúc da với da. Vì vậy, chúng ta phải chú ý hơn tới những người bị phát ban. Hầu hết những người được xác định cho đến nay đều mắc bệnh nhẹ, nhưng bất kỳ ai mà họ tiếp xúc đều cần được thông báo, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan về sau".

Vaccine phòng bệnh đậu mùa có tác dụng phòng ngừa 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên chuyên gia của WHO cho rằng hiện chưa cần tiến hành tiêm phòng trên quy mô lớn, chỉ cần tập trung vaccine cho những người tiếp xúc gần với các ca bệnh.

Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Trước thông tin bệnh đậu mùa khỉ liên quan tới những người đồng tính nam, TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trong chương trình Sống mới: "Xét về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, đây là một bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ trẻ sơ sinh, người thành niên, người trưởng thành cũng như là người già. Đồng tính nam cũng là một trong những đối tượng có liên quan đến bệnh này. Ở khía cạnh người đồng tính nam, việc lây lan giữa các đối tượng có vẻ dễ dàng hơn và mạnh mẽ hơn do cách thức quan hệ tình dục, cách thức chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Còn tất cả mọi người ở trong cộng đồng đều liên quan đến. Việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ này không chỉ ở nhóm đồng tính nam mà cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Ai cũng có thể bị và ai cũng có thể liên quan đến vấn đề này. Nếu mà chúng ta chỉ tập trung vào nhóm đồng tính nam thì chắc chắn chưa đủ để phòng bệnh, tránh tình trạng mọi người kỳ thị nhóm này thì hoàn toàn không đúng".

Bác sĩ Trần Văn Giang cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây lan theo hai con đường: "Thứ nhất là lây từ động vật sang người và sau đó có thể lây từ người sang người. Từ động vật sang người là hình thức chúng ta chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp như giết mổ, chế biến hoặc thậm chí là ăn những sản phẩm từ những động vật đã bị nhiễm virus trước đó. Hình thức người sang người là hình thức tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch, nốt phẳng hoặc các dịch tiết của cơ thể qua những giọt bắn hoặc vật dụng mà người bị nhiễm đã sử dụng như chăn ga gối đệm, bát đũa… Cũng có một con đường khác là lây từ mẹ sang con qua nhau thai trong giai đoạn thai kỳ và gây ra bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh. Khi chúng ta hiểu được đường lây thì chúng ta sẽ có những biện pháp phòng chống thích hợp".

Bệnh đậu mùa khỉ liệu có liên quan tới những người đồng tính nam? - Ảnh 4.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa ở khỉ (Ảnh: CDC)

Tại Việt Nam dù chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ nào, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm và dự phòng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Phó trưởng khoa virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên người dân nên được trang bị các kiến thức về phòng chống bệnh đầu mùa khỉ: "Chúng ta chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức cũng như thực hành để phòng chống bệnh này qua việc phát hiện và báo cáo những trường hợp nghi ngờ hoặc đã được khẳng định nhiễm. Tường hợp mà bản thân người dân có phơi nhiễm trực tiếp với những ca bệnh thì nên chủ động báo cáo, cách ly và tiếp cận với các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh".

"Về các biện pháp cụ thể cũng giống như nhiều những bệnh truyền nhiễm khác chúng ta có thể phòng được. Đầu tiên chúng ta xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh để có một sức khỏe và hệ miễn dịch đủ mạnh và bền vững. Đồng thời khi chúng ta tiếp xúc hoặc có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên chủ động cách ly, sau đó hạn chế tiếp xúc với mọi người và báo cáo với cơ quan y tế. Luôn trang bị cho mình những kiến thức, những kĩ năng, những thói quen như thường xuyên sát khuẩn tay hoặc rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Trong quá trình nghi ngờ hoặc có các biểu hiện nhiễm thì không có các hoạt động tiếp xúc hoặc quan hệ tình dục trong giai đoạn đó. Mỗi người cũng là một tác nhân để tuyên truyền cho những người xung quanh trong vấn đề nâng cao cảnh giác cũng như phòng chống dịch bệnh này" - Bác sĩ Trần Văn Giang cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Bộ Y tế đã đề nghị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ 12 quốc gia đang lưu hành dịch bệnh này.

Thế giới sẽ kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ nếu hành động sớm Thế giới sẽ kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ nếu hành động sớm

VTV.vn - Ngày 27/5, một quan chức cấp cao của WHO cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp phù hợp tại thời điểm hiện tại, thế giới sẽ kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước