Hiện có 3 mức tự chủ đang được áp dụng trong ngành y tế gồm:
+ Tự chủ một phần hay từng phần
+ Tự chủ chi tiêu thường xuyên
+ Tự chủ toàn diện
Với các bệnh viện thực hiện tự chủ một phần được Nhà nước cấp kinh phí chủ yếu là lương và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên và được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế.
Các bệnh viện tự chủ chi tiêu thường xuyên là tự chủ các hoạt động của bệnh viện như tiền lương, chi tiêu thường xuyên… và không được Nhà nước đầu tư trang thiết bị nhưng được Nhà nước cấp kinh phí mua hóa chất sinh phẩm.
Bệnh viện tự chủ toàn diện tức là tự chủ mọi hoạt động từ chi tiêu thường xuyên đến đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và đóng thuế đất.
Nghị quyết 33 của Chính phủ năm 2019 đã quyết định 4 bệnh viện thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, chỉ có Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai xây dựng đề án trình Chính phủ thực hiện tự chủ toàn diện.
Bệnh viện "hụt hơi" khi tự chủ toàn diện
2 năm thí điểm tự chủ toàn diện cho thấy bệnh viện "hụt hơi" và gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính- đây là một trong những nguyên nhân khiến Bệnh viện Bạch Mai xin rút chưa thực hiện tự chủ toàn diện trong thời điểm này.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho rằng, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối - bệnh viện trung ương, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
Phải mất 3 ngày chờ đợi sau khi được thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm, một bệnh nhân đến từ Thanh Hóa mới đến lượt được chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Xếp hàng, chờ đợi, số bệnh nhân đến khám vượt tuyến tại bệnh viện liên tục quá tải trong khi nhiều máy móc lại bị đắp chiếu do hỏng hóc. Khoa Khám bệnh có 4 máy X-quang thì 3 máy hỏng.
Là 1 trong 4 bệnh viện được giao thí điểm tự chủ toàn diện đầu tiên trên cả nước vào năm 2020 nhưng dịch COVID-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa ngay sau đó. 2 năm qua, bệnh viện đã hỗ trợ sức người, sức của chống dịch trên khắp cả nước, nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong hai năm 2020-2021 so với năm 2019.
Theo Nghị quyết 33, bệnh viện tự chủ toàn diện được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo khung giá được Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên theo bệnh viện, giá khám chữa bệnh hiện nay đã lạc hậu, lỗi thời và mới được tính 4/7 yếu tố cấu thành. Trong khi đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu lại chưa có khung giá trần khiến bệnh viện khó quyết định mức giá hợp lý.
Theo bệnh viện, mô hình của bệnh viện tự chủ cũng thể hiện nhiều bất cập khi vai trò của hội đồng quản lý và Ban Giám đốc đang bị chồng chéo, không xác định được ai là người đứng đầu bệnh viện. Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh. Khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Hiện nay, với cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa đồng bộ, trong khi 90% người bệnh đến khám chữa bệnh có BHYT, thuộc các đối tượng chính sách, việc tự chủ toàn diện cũng đồng nghĩa với bệnh viện phải tự bơi, tìm mọi cách để tăng nguồn thu bù chi. Như vậy, người thiệt thòi sẽ chính là người bệnh, người nghèo.
Cần có chính sách, quy định cụ thể trong tự chủ bệnh viện
Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, sau khi hết thời gian thí điểm tự chủ vào tháng 10 này, bệnh viện sẽ có báo cáo đánh giá, tổng kết và trình Bộ Y tế để xin rút không thực hiện tự chủ toàn diện.
Các chuyên gia khẳng định, chủ trương tự chủ bệnh viện là đúng và điều này sẽ giúp ngành y tế đảm bảo nguồn kinh phí để phát triển, nhưng để các bệnh viện thực hiện tự chủ một phần, thường xuyên hay toàn diện thì cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể.
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, để tự chủ toàn diện, bệnh viện phải được tự chủ về tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, hiện vấn đề quan trọng là tài chính, tức là giá dịch vụ y tế thì lại do bảo hiểm xã hội quy định. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế hiện nay chưa tính đúng tính đủ.
Dù tự chủ tại các bệnh viện diễn ra gần 15 năm nhưng chưa có những quy định, cơ chế pháp lý cụ thể để cởi trói cho các bệnh viện. Ví như quy định về việc sử dụng đất đai, thiết bị và nguồn lực.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phải xác định tự chủ đối với từng hạng bệnh viện, ví dụ bệnh viện tuyến huyện chỉ nên tự chủ một phần và đầu tư hạ tầng, trang thiết bị giúp người dân được tiếp cận các kỹ thuật cao. Với những bệnh viện lớn có thương hiệu sẽ dần chuyển sang tự chủ toàn diện.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm, 2 trong 4 bệnh viện lên tiếng xin tạm dừng tự chủ toàn diện để tính toán phương án tự chủ phù hợp hơn. Có lẽ đây là thời điểm để có những nhận xét, đánh giá và đưa ra những mô hình phù hợp hơn để vừa có lợi cho bệnh viện, vừa có ích cho bệnh nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!