Biến chứng bệnh thận giai đoạn 4 do dùng thuốc đái tháo đường không đúng

Hòa Ba-Thứ ba, ngày 11/07/2023 08:00 GMT+7

VTV.vn - Ông Toản tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám với tình trạng phù to toàn thân, mệt mỏi nhiều do bị suy thận nặng trên nền đái tháo đường, uống thuốc không thấy đỡ.

Ngoài những biểu hiện trên, ông Vũ Toản (45 tuổi, Hà Nội) còn khó thở, thường xuyên phải thở gắng sức. Tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, bác sĩ phát hiện đường huyết của ông Toản rất cao vượt xa ngưỡng bình thường của cơ thể. Ngoài tiền sử bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), ông Toản bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não nhiều năm nay. Kết hợp điều tra tiền sử bệnh, thăm khám cẩn trọng và chỉ định các cận lâm sàng phù hợp, các bác sĩ chẩn đoán, ông Toản xuất hiện biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 4.

TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết: "Hiện nay, một số loại thuốc ĐTĐ thế hệ mới thuộc nhóm SGLT2 như Forxiga (Dapagliflozin) hay Jardiance (Empagliflozin) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh được hiệu quả ngoài tác dụng kiểm soát tốt đường máu, thuốc còn có tác dụng bảo vệ thận, làm chậm tiến trình dẫn tới suy thận giai đoạn cuối ở bệnh nhân ĐTĐ. Khi suy thận, các thuốc thuộc nhóm Sulfonylurea như Diamicron có thể dẫn tới tác dụng phụ hạ đường huyết, nhóm thuốc Metformin như Glucophage cần phải chỉnh liều lượng tùy theo mức lọc cầu thận…".

Ông Toản mặc dù vẫn tuân thủ điều trị thuốc theo đơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loại thuốc viên điều chỉnh đường máu của bệnh nhân đã giảm hiệu quả dẫn tới đường máu tăng cao. Tình trạng đường máu tăng cao đã dẫn tới suy thận tiến triển năng hơn. Khi suy thận nặng hơn và mức lọc cầu thận giảm, thêm vào đó là tình trạng đường máu tăng cao một số loại thuốc sẽ cần phải điều chỉnh lại liều lượng, một số loại thuốc cần phải được thay thế. Đây là việc bất cứ ai bị suy thận trên nền bệnh đái tháo đường cũng cần nắm rõ.

Sau khi xem đơn thuốc cũ của bệnh nhân Toản, bác sĩ Ngọc đã lựa chọn và thay đổi các loại thuốc mới, bổ sung thuốc lợi tiểu và chỉnh liều các loại thuốc cũ theo tình trạng suy thận. Mức đường huyết của ông Toản dần ổn định, triệu chứng lâm sàng của suy thận như phù toàn thân, tình trạng khó thở đã giảm dần.

Biến chứng bệnh thận giai đoạn 4 do dùng thuốc đái tháo đường không đúng - Ảnh 1.

TS Lê Bá Ngọc đang hội chẩn cùng các đồng nghiệp. Ảnh: BVCC

TS Lê Bá Ngọc cho biết biến chứng thận do bệnh đái tháo đường là một trong những biến chứng mạn tính rất thường gặp. Theo số liệu thống kê từ 54 quốc gia, hơn 80% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được gây ra bởi bệnh ĐTĐ, tăng huyết áp hoặc cả hai. Bệnh thận mạn giai đoạn cuối do biến chứng của bệnh ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải chạy thận chu kỳ.

Tiến sĩ Bá Ngọc nhận định khi bệnh ĐTĐ đã có biến chứng thận, người bệnh cần khám bệnh thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh để từ đó bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với mức lọc cầu thận. Bác sĩ Ngọc đồng thời cảnh báo, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ suy thận có sai lầm tự mua và sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Nhiều bệnh nhân đã tự ý bỏ các thuốc điều trị ĐTĐ, thuốc hạ huyết áp để chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng thuốc nam. Khi bệnh nhân tới bệnh viện, bệnh đã chuyển thành suy thận giai đoạn cuối và phải tiến hành lọc máu cấp cứu.

Biến chứng thận do bệnh ĐTĐ có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện sớm. Vi đạm niệu là chỉ dấu biến chứng thận ở giai đoạn sớm. Định lượng vi đạm niệu trong nước tiểu là một xét nghiệm rẻ tiền giúp người bệnh ĐTĐ phát hiện sớm biến chứng thận. Can thiệp sớm biến chứng thận ở giai đoạn này bằng các loại thuốc ĐTĐ thế hệ mới như thuốc thuộc nhóm SGLT2 hoặc các loại thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển hay nhóm ức chế thụ thể AT1 sẽ làm chậm tiến trình suy thận mạn.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Vào lúc 20h ngày 11/7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Từ đái tháo đường đến suy thận" được phát trên fanpage của VnExpress.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết - Đái tháo đường và Nội tổng hợp. Các bác sĩ sẽ giải đáp chi tiết những câu hỏi liên quan đến biến chứng suy thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được các bác sĩ giải đáp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước