Từ đái tháo đường, tim mạch đến suy thận

P.V-Thứ ba, ngày 11/10/2022 18:36 GMT+7

VTV.vn - Hai nguyên nhân chính thúc đẩy suy thận trở thành yếu tố hàng đầu gây tử vong ở thế kỷ 21 là đái tháo đường và cao huyết áp, cần được nhận biết và quản lý nghiêm ngặt.

Tạp chí y khoa Lancet cho biết, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn (CKD) trên thế giới đang có xu hướng gia tăng. Năm 2018, có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận mạn, dự báo 5 triệu người cần điều trị thay thế thận vào năm 2030. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thận mạn, nhưng hai nguyên nhân chính là bệnh thận đái tháo đường và bệnh thận xơ hóa do tăng huyết áp. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có mắc bệnh thận mạn tử vong tăng 10 lần.

Ngày 6/10/2022 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến "Từ đái tháo đường, tim mạch dẫn đến suy thận". Chương trình có sự tham gia chia sẻ, thảo luận của ba chuyên gia trong lĩnh vực Tiết niệu Thận học, Tim mạch và Nội tiết Đái tháo đường: TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung - Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học; ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội tim mạch 1; ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - Khoa Nội tiết Đái tháo đường. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Từ đái tháo đường, tim mạch đến suy thận - Ảnh 1.

Thầy thuốc ưu tú Tạ Phương Dung tại buổi tư vấn trực tuyến. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ một hiện trạng, tỷ lệ đái tháo đường tăng nhanh ở các nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam và dự kiến sẽ tăng đều trong những năm tới. TP. Hồ Chí Minh cũng có tỷ lệ đái tháo đường được dự đoán là sẽ qua 10% trong vòng 5 năm tới. Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đến khám đông, trên 1.000 lượt mỗi tháng và đồng thời có thể có các bệnh phối hợp nằm rải rác điều trị tại các khoa nội tim mạch, nội thận. Mặt bằng chung bao gồm cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi, nhưng tỷ lệ lệch về hướng bệnh nhân lớn tuổi cao hơn.

Chia sẻ với thắc mắc của một bạn đọc "Tôi 26 tuổi, ốm, không thích ăn ngọt, gia đình không có ai bị tiểu đường, không hiểu vì sao tôi lại mắc bệnh?", bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết, độ tuổi đái tháo đường được thống kê là từ 20-79. Theo cơ chế bệnh sinh, ở người lớn tuổi, tuyến tụy hoạt động kém hơn do giảm tiết Insulin từ tuyến tụy, nên bệnh đái tháo đường thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Hiện nay, đái tháo đường trẻ hóa là do lối sống hiện đại ít vận động, dư cân, béo phì. Đây là bệnh chuyển hóa do lối sống thiếu khoa học.

Từ đái tháo đường, tim mạch đến suy thận - Ảnh 2.

Bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết đái tháo đường là bệnh chuyển hóa do lối sống thiếu khoa học. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Khi khán giả Trà Lý hỏi "Em đi khám ban đầu, kết quả là HbA1c 7.8, Gluose là 7.44, Em uống thuốc nam, ăn kiêng 3 tháng. Hôm qua, em đi khám thì glucose 7,01, HbA1c 6.33. Nhưng em có hiện tượng phù mặt phù chân tay mấy tháng nay rồi. Bác sĩ bảo đây là dấu hiệu ban đầu của thận lọc không được. Vì sao lại như vậy?". TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung cho biết, đái tháo đường hiện nay rất nhiều, chiếm khoảng 6% dân số. Đái tháo đường có thể gây biến chứng lên mạch máu nhỏ, mạch máu lớn. Biến chứng lên mạch máu lớn có thể dẫn tới các biến chứng về tim mạch, não đột quỵ… Biến chứng mạch máu nhỏ gồm có biến chứng về thần kinh, thận, chi… Trong các biến chứng này, biến chứng về thận phổ biến hơn do máu của bệnh nhân đái tháo đường tới thận nhiều, khiến thận làm việc nhiều hơn và khi thận làm việc nhiều hơn sẽ sớm bị hư hơn. Ngoài ra, sau nhiều năm các mạch máu của người đái tháo đường có hiện tượng xơ cứng làm rò rỉ đạm vào nước tiểu, dấu hiệu sớm của suy thận.

Từ đái tháo đường, tim mạch đến suy thận - Ảnh 3.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều giải thích cho người bệnh về mối quan hệ giữa huyết áp, tiểu đường và suy thận. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội tim mạch 1, đã trả lời cho thắc mắc của khán giả Yến Nguyễn gửi câu hỏi về fanpage Bệnh viện đa khoa Tâm Anh về mối quan hệ giữa huyết áp, tiểu đường và suy thận. Tiểu đường và tăng huyết áp là hai bệnh lý thường gặp ở cùng một người bệnh. Một bệnh nhân tăng huyết áp khi được điều trị, theo thời gian có thể phát hiện thêm bị đái tháo đường hoặc là ngược lại ở bệnh nhân đái tháo đường thì người ta thấy là thường có khoảng 60% bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp đi kèm. Hai bệnh lý này thường đi chung với nhau và nếu một người vừa có tăng huyết áp vừa có đái tháo đường thì nguy cơ dẫn đến bệnh lý thận mạn hay gọi là suy thận sẽ gia tăng. Biến chứng của đái tháo đường ảnh hưởng lên các mạch máu lớn ở tim gồm có những bệnh lý của mạch vành như bệnh mạch ngoại biên. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân thứ hai sau đái tháo đường dẫn đến cái bệnh lý thận mạn. Vì thế, một người vừa có tiểu đường vừa có tăng huyết áp nên theo dõi chức năng thận để đánh giá cũng như phát hiện sớm các biến chứng trên thận.

Theo thống kê năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Số ca bệnh mắc mới đang có chiều hướng gia tăng với 8.000 ca mỗi năm. Trong đó, đái tháo đường và các bệnh lý về tim mạch là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ hoặc ghép thận. Bệnh không chỉ là gánh nặng cho sức khỏe, tinh thần mà còn khiến cho kinh tế nhiều gia đình khó khăn.

Do đó, TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, khuyến cáo với những người hoàn toàn khỏe mạnh nên đi tầm soát sức khỏe ít nhất 1 lần/năm. Có thể tầm soát đái tháo đường, tăng huyết áp, chức năng thận và các vấn đề khác. Nếu đã có đái tháo đường, bệnh tim mạch càng nên tầm soát chức năng thận. Uống thuốc đúng, tái khám trong thời gian 3 - 6 tháng hay hàng tháng tùy theo chỉ định để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thuốc. Tuyệt đối không lấy toa thuốc của người này cho người kia vì cơ địa, điều kiện sinh hoạt của mỗi người khác nhau.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước