Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người dân ở xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đã bỏ dở việc đồng áng để đi kích giun. Chỉ với một chiếc máy phát xung điện cao thế cùng một chiếc xô nhựa, kiếm tiền triệu mỗi ngày đối là việc không khó. Tất cả dụng cụ đều do Trung Quốc sản xuất với mục đích đánh bắt sạch giun trên các diện tích đất nông nghiệp, sau đó mang về bên kia biên giới.
Một người dân cho biết: "Máy này mua, tùy loại từ 5-7 triệu, 1 ngày được khoảng chục kg, bán từ 50.000 đồng/kg. Không biết họ mua về làm gì".
Chỉ cần cắm 2 chiếc tô vít nối với dây điện xuống đất sau đó kẹp máy phát xung điện vào ắc quy và bật công tắc. Sau vài tiếng rít chói tai, lập tức đủ mọi loại giun đều phải ngoi lên từ trong lòng đất.
Chỉ mới kích trong một khoảng vườn nhỏ, hai vợ chồng người nông dân đã bắt được gần 5kg giun đất. Số giun này sau đó được mang đến các lò sấy trong xã, mổ sạch nội tạng, chỉ giữ lại phần vỏ và sấy khô.
Giun thành phẩm sẽ được các thương lái người nước ngoài thu mua với giá khoảng 600.000 đồng/kg. Lợi nhuận cao nên chỉ riêng trong xã Tú Sơn đã có tới 6 lò sấy, mỗi ngày thu mua, chế biến hàng tấn giun đất.
Ông Bạch Công Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Sau khi phát hiện, UBND xã đã giao cho công an làm thông báo nghiêm cấm việc đánh bắt và sấy giun, nếu tái phạm sẽ xử lý".
Thông báo đã ra từ tháng 8 thế nhưng đến thời điểm hiện tại người dân vẫn vô tư đánh bắt, còn các lò sấy ngang nhiên hoạt động. Lợi ích thì lái buôn và người kích giun hưởng nhưng thiệt hại thì nông dân phải chịu. Khu đất nhà ông Bùi Văn Dự trồng hơn 100 cây bơ nhưng đã chết gần nửa do bị các đối tượng kích giun trộm. Hố đất trồng cây đào sâu tới hơn 50cm nhưng cũng chẳng còn con giun nào.
Cũng giống như việc thu gom đỉa ở nhiều địa phương trước đây, chẳng ai biết khi nào những thương lái nước ngoài sẽ bất ngờ bặt vô âm tín, bỏ lại người dân với hàng trăm kg giun khô. Tuy nhiên vì hám lợi trước mắt, mỗi ngày, những luồng điện cao thế vẫn liên tục phóng xuống đất, tàn sát nốt những con giun cuối cùng còn sót lại.
Xã Tú Sơn có khoảng gần 1.000ha đất nông nghiệp, người dân sống chủ yếu dựa vào các loại cây hoa màu như lúa, ngô và cây ăn quả. Với tình trạng kích giun tràn lan như hiện nay, chẳng ai nói trước được khi nào những thửa đất này sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!