Nhanh chóng, tiện lợi, chỉ cần cắm 2 que của bộ xung kích điện xuống biển là các loại sò, ốc tự bật lên, ngư dân chỉ cần vớt lên thu hoạch về nhà. Theo nhiều ngư dân, với cách làm truyền thống bằng vợt và cào sắt, rất khó để lấy các loại sò, ốc to, có giá trị vì những loại này nằm sâu trong đá, bùn. Trong khi đó, nếu dùng bộ xung kích điện, sẽ cần ít thợ lặn hơn, không mất nhiều thời gian, có thể khai thác gấp 2, thậm chí gấp 4 lần bình thường.
Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục tăng tần suất kiểm tra nhưng cũng như "muối bỏ bể". Chỉ riêng tại Trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2019, trạm đã bắt được hơn 50 vụ việc dùng xung kích điện đánh bắt tận diệt. Số vụ vi phạm này đã tăng cao gấp đôi so với số lượng vi phạm của cả năm 2018.
Phương tiện chính của của Trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tàu và ca nô, được dùng để tuần tra, giám sát trên địa bàn trải dài đến hơn 30 hải lý (gần 60km). Tuy nhiên, điều đáng nói là những phương tiện này đều đã cũ, gây nhiều trở ngại trong quá trình công tác.
Có thể thấy, dù mức xử phạt đã tăng cao rất nhiều so với mức cũ, trên thực tế các ngư dân vẫn tái phạm. Nguyên nhân là do các ngư dân nghĩ: việc dùng xung kích điện đã mang lại nguồn thu nhập cao, mình không dùng thì ngư dân khác cũng dùng. Từ suy nghĩ đó, ngư dân thay vì chấp hành quy định pháp luật lại chuyển sang nghĩ cách đối phó với cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp diễn ra phổ biến, khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm rõ rệt, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ven bờ. Đồng thời, một số loại thủy, hải sản đặc trưng ở địa phương đã dần biến mất.
Cơ quan chức năng gặp khó, các ngư dân vì nguồn lợi trước mắt mà bất chấp pháp luật, đến nay vẫn chưa có một giải pháp triệt để nào xử lý tình trạng này. Bên cạnh đó, những dụng cụ xung kích điện xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng đánh bắt trên biển của Việt Nam. Trước thực tế đáng báo động này, các chuyên gia cũng như cơ quan, ban, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp mới. Nhưng quan trọng nhất là sự đồng hành của ngư dân: Khingư dân tự nhận thấy những nguy hại khi sử dụng xung kích điện đánh bắt hải sản sẽ tự thay đổi cách khai thác, qua đó đảm bảo sự bền vững trong nguồn lợi thủy hải sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!