Trào lưu người trẻ bỏ phố về quê
Nếu như trước đây, khái niệm bỏ phố về quê thường dành cho những người về hưu, muốn hưởng thụ cuộc sống nhàn rỗi thì nay nó đã trở thành trào lưu, một lối sống của không ít người trẻ. Áp lực công việc, sự đông đúc ồn ào ở phố thị thường là những lý do để người trẻ quyết định thay đổi môi trường sống. Và những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành thường được nhiều người lựa chọn.
1 năm nay, Đà Lạt trở thành nơi sinh sống và làm việc của Nguyễn Viết Đăng Trình. Với công việc nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp cho các cặp đôi, mỗi tháng Trình có thể tự kiếm được thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, số tiền đủ để chàng thanh niên 28 tuổi có cuộc sống thoải mái hơn so với mức sống đắt đỏ tại các đô thị lớn như TP.HCM.
Hay với Nguyễn Hương Thi, 29 tuổi với 6 năm học tập và làm việc tại TP.HCM lại quyết định từ bỏ công việc của một nhân viên văn phòng để trở thành nông dân thực thụ tại Đà Lạt.
Từ một cô gái gắn chặt với màn hình vi tính 8 tiếng/ngày, giờ đây, Thi thành thạo mọi công việc làm vườn, tự tay chăm sóc, vun vén cho khu vườn rộng 650 m2 của riêng mình, đủ rau để ăn và hoa để ngắm. 6 năm "bỏ phố về quê", Hương Thi đã trở thành công dân chính thức của TP này.
Theo thống kê mới nhất, TP Đà Lạt có khoảng 43.000 dân tạm cư đến làm ăn, sinh sống tại đây. Trong đó, có nhiều người đến thuê đất nông nghiệp để trồng hoa, trồng rau, làm homestay cho khách du lịch. Chính quyền thành phố thực hiện nhiều giải pháp để vừa tạo điều kiện cho những người đến làm ăn sinh sống, vừa kiên quyết chống tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp.
Đăng Trình, Hương Thi và nhiều người trẻ khác đang tìm cho mình một lối sống chậm lại giữa sự tấp nập, náo nhiệt ở các đô thị lớn. Từ bỏ phố để về rừng, về quê, với người trẻ không chỉ là thay đổi từ điểm sống này, đến điểm sống khác mà là từ bỏ một lối sống và lựa chọn một lối sống khác.
Dòng chảy từ phố về quê
Như vậy, song song với dòng di dân chủ đạo từ trước đến nay là từ quê lên phố, hiện nay có thêm một dòng chảy ngược lại là từ phố về quê.
Đến nay, mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức về số lượng những người di dân ngược chiều này nhưng có thể tạm chia thành 4 nhóm người từ thành phố về quê gồm:
- Nhóm 1: Làm nông như một thú vui, giải tỏa tâm lý
- Nhóm 2: Làm nông như một cách kiếm sống.
- Nhóm 3: Làm nông như một lối sống, tự cấp tự túc tối đa.
- Nhóm 4: Không chỉ làm nông như một lối sống mà còn có hàng hóa đưa ra thị trường.
Mặc dù là trào lưu nhưng bỏ phố về quê có phải là giải pháp cho tất cả những ai muốn thay đổi môi trường sống bởi cái gì cũng có hai mặt.
Bên cạnh những điểm cộng như được sống trong môi trường thực sự trong lành, ăn một món ngon do chính tay mình trồng ra, ở một ngôi nhà do chính mình dựng xây thì khi về quê, rất nhiều những điểm trừ xuất hiện. Để rồi, khi miền quê không còn như mộng ảo, nhiều người đã đành phải quay ngược trở lại thành phố và đối mặt trở lại với rất nhiều khó khăn.
Bỏ phố về quê - Giải pháp hay bế tắc?
Sau 1 năm bỏ phố về quê tại Đà Lạt, Tống Công Tuấn trở lại TP.HCM với công việc dẫn chương trình phát thanh. Quyết định chóng vánh với 3 tháng chuẩn bị, Tuấn bán tất cả đồ đạc, gom góp mọi thứ để thoả mãn ước mơ sống giữa núi đồi. Thế nhưng, cuối cùng anh quyết định xuống núi để tiếp tục công việc mưu sinh mà đời sống cao nguyên không thể đáp ứng được.
Hoàng Quân khởi nghiệp bằng một homestay nhưng đã sớm phải từ bỏ.
Còn với Hoàng Quân, hành trình về với thiên nhiên được chuẩn bị kỹ lưỡng sau nhiều lần đi về giữa Đà Lạt - TP.HCM, để tìm hiểu về văn hóa, con người và cả những khó khăn ở vùng đất mới. Một homestay được ra đời như cách mà nhiều người trẻ khởi nghiệp ở Đà Lạt, với cả tiền của, mồ hôi và đầy tin tưởng. Tuy vậy, chỉ sau 2 năm bám trụ, Quân đã phải từ bỏ căn nhà mình tạo dựng cùng món nợ lên tới nửa tỷ đồng, trở về thành phố kiếm việc lại từ đầu. Chưa kể, 1 năm qua, anh phải điều trị trầm cảm vì những sang chấn tâm lý "vỡ mộng" khi bỏ phố về rừng.
Quan chia sẻ, con đường "bỏ phố về rừng" chưa bao giờ là dễ dàng! Đừng đi vì ai cũng đi! Đừng đến đó vì ai cũng đến đó! Đừng ở lại vì ai cũng ở lại hoặc bạn đang muốn chạy trốn!
Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững, biến việc về quê thành một xu hướng chọn việc làm của một thế hệ, khi Việt Nam có đến hơn 65% dân số ở khu vực nông thôn.
Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, nếu như vì áp lực mà chọn cách bỏ phố về rừng như một kiểu ở ẩn và từ chối những tác động mà bản thân mình không tải nổi thì đây là giải pháp chưa hẳn là tốt. Bởi áp lực cuộc sống nơi nào cũng có, để có thể sống tốt thì ở rừng hay ở phố đều đòi hỏi những nhóm năng lực nhất định. Nếu từ bỏ một nơi đến một nơi khác bởi sự trốn tránh, không chuẩn bị tâm thế cho nơi mình sắp đến, sự thất bại có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Việc mình cần làm lúc này không phải là từ bỏ mà là cập nhật bản thân, gia tăng năng lực và làm mới chính mình để mình có thể đáp ứng yêu cầu công việc, cuộc sống hiện tại. Và biết đâu khi đáp ứng đươc rồi, cảm giác hạnh phúc sẽ quay trở về với các bạn.
Cần nhìn nhận thực tế bỏ phố về quê không chỉ của thiểu số người trẻ tiên phong dám bỏ phố thời gian gần đây, mà trở thành một dòng dịch chuyển việc làm, lao động khai thác tiềm năng kinh tế ở các vùng quê, đồi núi. Do đó, làm thế nào để vấn đề này không trở thành trào lưu "sớm nở tối tàn", để những vùng quê không phải là nơi gánh chịu hậu quả của việc bỏ phố tràn lan, không chủ đích. Và quan trọng nhất, những người trẻ bỏ phố về quê không chỉ để thỏa mãn sở thích nhất thời mà còn cần với cộng đồng dân cư bản địa tạo ra một môi trường sống lý tưởng.
Bỏ phố về quê - Thành công không chỉ là ý muốn
Bỏ dở chương trình đang theo học tại Philippines, trở về Việt Nam, năm 2016, Võ Thành Luân đến thành phố Đà Lạt bắt đầu dự án Thời thanh xuân, giúp cho những người trẻ không nghe và nói được có thể trrải nghiệm về nghề nghiệp, cách làm việc, tích lũy vốn để có thể sống tự lập.
Dự án Thời thanh xuân thu hút được rất nhiều tình nguyện viên. Họ là những người trẻ, đang loay hoay với hành trình tìm lý tưởng sống, một thanh xuân đẹp đẽ. Nhiều người đơn giản đến Nhà của Thời thanh xuân để bỏ qua những bộn bề cuộc sống, bon chen, đố kị. Họ cùng làm việc, chung sống, học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với các bạn khiếm thính, sống chan hòa với cỏ cây của núi rừng Đà Lạt.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người yếm thế, dự án Thời thanh xuân còn theo đuổi sản xuất các dòng sản phẩm tự nhiên từ chính cây cỏ vùng đất Đà Lạt, với phương pháp sản xuất không gây hại hay tàn phá thiên nhiên. Con người và thiên nhiên chung sống hòa hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!