Người dân lo ngại về chất lượng nguồn nước ngầm
Mùa cao điểm nắng nóng khiến chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của nguồn nước đối với cuộc sống. Có thể mở trực tiếp nước tại vòi và an tâm sử dụng, đối với nhiều người, đó là điều hết sức bình thường. Nhưng ở không ít nơi hiện nay, có thể làm được như vậy lại là điều may mắn.
Tại tỉnh Nam Định, hiện mới chỉ mới có 2/34 xã thị trấn của huyện Hải Hậu có nước sạch, tương đương với con số hơn 25.000 người dân đang phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo. Trong khi toàn bộ các xã thị trấn của huyện này đều đã về đích nông thôn mới.
Hiện tại, mực nước giếng khoan tụt giảm khiến lượng nước đầu vào ngày một ít hơn, đi kèm với đó còn là những băn khoăn rất lớn của người dân về chất lượng nguồn nước tại khu vực này.
Nguồn nước sinh hoạt ở đây rất đục. Người dân không dám dùng cho sinh hoạt mà phải mua nước về dùng. Để nước lắng trong chậu nhựa, nước sẽ đầy cặn bẩn, nếu chứa trong chậu nhôm, thành chậu sẽ vàng khè. Nhà nào dùng máy lọc nước thì chỉ khoảng 10-15 ngày đã phải thay lõi máy lọc nước vì cặn bẩn bám thành lớp dày vàng nhớt như bùn đặc.
Theo chia sẻ của ông Lương Thế Mạnh ở Xã Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định, có người ở đây đã mắc ung thư, con cháu học xa về nhà không dám tắm, không dám uống nước vì sặc sụa mùi bùn.
31 triệu người đang thiếu nước sạch
Còn hơn 31 triệu người nông thôn chưa được dùng nước sạch. Đó là số liệu được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra tại Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Chưa được dùng nước sạch cũng đồng nghĩa người dân phải chấp nhận sống chung với nguồn nước chưa được xử lý an toàn. Trước thực trạng này, nhiều nhà máy nước gấp rút được xây dựng với hi vọng nâng cao chất lượng sống cho người dân. Vậy mà, theo thống kê, có tới 1/3 số công trình cấp nước xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2020 chưa phát huy tác dụng, gây ra lãng phí.
Nhà máy nước bị thu hồi dự án sau 5 năm được phê duyệt
Lễ khởi công xây dựng nhà máy nước sạch tại huyện Hải Hậu diễn ra năm 2019. Buổi lễ ăn mừng hoành tráng, tương xứng với quy mô được cấp phép đầu tư của doanh nghiệp. Nếu theo đúng kế hoạch, chỉ nửa năm nữa, toàn bộ người dân trên địa bàn huyện sẽ có nước sạch để dùng. Vậy mà đến nay, nơi này vẫn chỉ là bãi đất trống.
Mỗi năm chỉ làm được 1 tí vậy mà nhà máy vẫn đăng ký công suất lên tới 100.000 m3 nước/ngày, đêm. Và giờ, lời hứa không cánh mà bay, còn doanh nghiệp đã bỏ của chạy lấy người. Không thể tiếp diễn tình cảnh bỏ thì thương, vương thì tội. Vì chậm tiến độ, dự án đến nay đã chính thức bị thu hồi.
Không rõ ai mệt nhiều, mệt ít, chỉ biết xung quanh UBND huyện đã có nước sạch, còn gần 26.000 người dân khu vực lân cận thì chưa. Người dân cứ thế mòn mỏi cùng 1 niềm trăn trở hết đời mình, thì đến đời con, đời cháu, liệu đã có nước sạch để dùng chưa.
Nghịch lý cấp nước sạch: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Trong vài năm trở lại đây, số lượng công trình cấp nước sạch được đầu tư xây dựng không ngừng tăng lên. Câu chuyện quý vị vừa theo dõi tuy chưa phải là phổ biến là nhưng lại khá điển hình cho những bất cập trong công tác đầu tư cấp nước sạch tại địa phương.
Sự bất cập còn thể hiện ở thực trạng vì sợ quy hoạch chồng chéo các công trình cấp nước dẫn đến khó quản lý khiến cho nơi cần thì không có, nơi có lại chưa thể chia cho nơi cần.
Chỉ cách nhau có 1 con đường, mà xã bên đã có nước sạch được vài năm, khiến ông Dự không khỏi sốt ruột. Ông cho biết: "Đường nước sạch cạnh quốc lộ rồi nên tôi xin đấu nối sang đây nhưng các anh ấy bảo không được vì đây là địa bàn khác. Tôi thắc mắc xin dùng nước sạch sao khó khăn thế và cũng không hiểu được lý do".
Trước mong mỏi của người dân, đơn vị này liên tục nhận được nhiều yêu cầu xin cấp nước. Việc này vốn dĩ khả thi, vì hiện nhà máy mới chỉ hoạt động có 20% công suất. Vậy nhưng, doanh nghiệp vẫn chưa thể cấp nước sạch cho dân.
Ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Nam Định, lý giải: "Nước là một mặt hàng có điều kiện, việc cấp nước phải tránh tranh chấp nên phải có phân vùng cung cấp nước. Việc đấu nối sang hệ thống khác phải có chủ trương mới được phép làm. Thế nên chưa có mở rộng địa bàn thì không thể thực hiện được".
Ông Hoàng Trung Dũng, PGĐ Công ty CP nước sạch Hoàng Gia 2 chia sẻ: "Những quy định đó làm khó cho doanh nghiệp. Giữa những hộ dân và doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp sẽ dễ hơn. Mặc dù đường ống đi qua nhà rồi mà không được dùng nên người dân cũng hơi bức xúc".
Dù biết những kiến nghị của người dân và doanh nghiệp có thể giải quyết nhanh chóng tình thế cấp bách nhưng mọi thứ đều phải theo đúng quy trình. Để tránh chồng lấn đường ống nước, chủ trương vẫn là nhà máy đặt ở địa phương nào thì phục vụ người dân ở khu vực đó.
Theo ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Nam Định, quy trình bây giờ là phải lựa chọn được nhà đầu tư, đấu thầu dự án, không được bỏ bước nào, sau lại tổ chức thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật nhưng bao lâu nữa người dân mới được dùng nước sạch thì chưa có câu trả lời.
Một câu hỏi chưa có lời đáp, vì những mong mỏi chưa tìm được tiếng nói chung. Chừng nào nơi thừa chưa thể chia cho nơi thiếu, thì vẫn còn tồn tại nghịch lý kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.
Người dân tìm cách đối phó với nguồn nước ngầm bị ô nhiễm
Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn. Bởi nơi này đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng từ nguồn nước thải của các nhà máy, làng nghề ở lưu vực các con sông và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng "Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025". Mục tiêu đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn. Mục tiêu thì là vậy nhưng đường đến đích xa hay gần, nhanh hay muộn thì cũng khó nói trước.
Nước sạch là nhu cầu cơ bản của con người. Dù có hay không, cuộc sống vẫn phải duy trì. Chỉ có điều, người dân đang phải thích nghi với sự thiếu thốn đó như thế nào mà thôi.
Chất lượng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo khiến mọi thứ trở nên ố vàng. Để tránh hư hỏng đồ đạc, thứ không thể thiếu trong nhiều gia đình ở đây là những lọ hóa chất tẩy rửa được mua theo chục để dùng dần.
Khi nước giếng khoan trở thành nỗi lo cho vấn đề ăn uống, nước đóng bình lại trở thành giải pháp không thể tốt hơn. Vì nhu cầu sử dụng nhiều, có gia đình bà Hoa phải tốn thêm cả triệu đồng mỗi tháng để mua nước.
Cũng để an tâm, hệ thống nước mưa được đưa vào sử dụng. Nhưng thứ nước trên trời cũng lại tạo ra những băn khoăn khác.
Ông Bùi Văn Đoan, Xã Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định cho rằng: "Các công ty, các xưởng ở đây nhiều nên nước mưa cũng phèn với sắt nhiều nên cũng không tốt nên gần như 100% phải dùng máy lọc. Nhưng nếu thay liên tục thì tốn tiền lắm. Như nhà tôi phải tốn kém 5 - 7 triệu đồng/năm để thay các thiết bị máy lọc. Chi phía này đối với nhiều gia đình là quá tải".
Ông Lương Thế Mạnh, Xã Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định nói: "Những xã bên rất nhỏ thôi, dân số ít mà người ta đã có nước sạch rồi nên tôi cũng rất mong làm sao Hải Hậu có nguồn nước sạch càng sớm càng tốt".
Tuy nhiên, dù thiết tha là vậy nhưng chưa biết khi nào sự phiền lòng của người dân về nguồn sống của mình mới kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!