Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 9 có thể gây ra gió mạnh trên đất liền cấp 12, trở thành một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Sức tàn phá của bão cấp 12 sẽ rất khủng khiếp, nhà cấp 4 hầu như không thể trụ được.
Các tỉnh Nam Trung Bộ trong đó có TP Đà Nẵng, các lực lượng cùng người dân đã và đang khẩn trương chuẩn bị mọi phương án chống bão, hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 9 gây ra.
Trong hôm nay, TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên yêu cầu người dân không ra khỏi nhà tối 27/10, trước khi bão Molave đổ bộ.
Quảng Ngãi đã di dời dân tới nơi an toàn
Người dân Quảng Ngãi di dời tránh trú bão. Ảnh: TTXVN.
Quảng Ngãi là địa phương được dự báo là tâm bão số 9 sẽ đổ bộ, tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số 1 là phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Bên cạnh đó là rà soát những tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn tại các âu thuyền, khu vực tránh trú dành cho tàu thuyền, không được để bất cứ người nào ở trên tàu tại thời điểm bão đổ bộ.
Trước siêu bão số 9, công tác di dân từ vùng nguy hiểm vào nơi an toàn có một ý nghĩa rất lớn đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Đặc biệt là vùng được dự báo là tâm bão đổ bộ và nước biển dâng. Tính đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã đi dân được trên 20.000 hộ với trên. 80.000 nhân khẩu.
Khu tập thể 4 tầng của Tập đoàn Hòa Phát là 1 trong hàng trăm điểm di dân của tỉnh Quảng Ngãi. Do kinh tế còn khó khăn nên hầu hết nhà cửa của người dân miền biển Quảng Ngãi rất thô sơ, có nguy cơ bị tàn phá khi bão số 9 đổ bộ. Đến 17h ngày 27/10, công tác di dân đã hoàn tất.
Đà Nẵng hoàn tất công tác phòng chống bão số 9
Trước dự báo của bão số 9 (Molave) giật cấp 15 sẽ tiến vào đất liền, ngay từ sáng sớm, người dân ven biển thành phố Đà Nẵng đã tranh thủ thời gian để đưa thuyền thúng, ngư cụ vào bờ. nhiều ngư dân chủ động thuê xe tải lớn chở tàu cá lên bờ tránh bão, những phương tiện nhỏ tập trung neo đậu gần bờ, chằng buộc cẩn thận, đề phòng chìm tàu.
Gấp rút triển khai các giải pháp phòng chống bão, Bộ chỉ huy Quân sự cũng triển khai 100% lực lượng, hỗ trợ nhân dân chèn chống nhà cửa, chuyển các phương tiện đánh bắt, lồng bè lên bờ tránh bão, tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp tránh trú bão an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền và cử cán bộ chiến sĩ hỗ trợ người dân chằng chống nhà đúng cách, triển khai các địa điểm như trạm y tế, trường học để di dời dân.
Hiện các địa điểm tránh trú bão cho người dân đã được chuẩn bị tương đối sẵn sàng, kiên cố, đầy đủ nhu yếu phẩm, đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh mưa bão diễn biến rất phức tạp.
Quảng Nam, Bình Định huy động toàn lực phòng chống bão số 9
Tỉnh Quảng Nam dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9. Vì vậy lúc này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão.
Toàn tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ di dời trên 170.000 dân tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao, nhất là tại các khu dân cư ven biển. Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngoài việc kêu gọi và giúp nhân dân gia cố nhà cửa, che chắn bảo đảm an toàn các tài sản, các địa phương còn tổ chức lực lượng túc trực tại chỗ để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, các địa phương ven biển từ thị xã Điện Bàn đến huyện Núi Thành đang khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão số 9 để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, rà soát và kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền. Mọi công tác chuẩn bị và ứng phó phải hoàn thành trước 18h ngày 27/10.
Tỉnh Bình Định cũng là địa phương có nhiều điểm dân cư dễ bị sạt lở tại cả khu vực miền biển và miền núi. Hiện tại, địa phương này cũng đang gấp rút triển khai mọi phương án di dời dân, di dời tàu thuyền đến nơi an toàn, hướng dẫn người dân tích trữ lương thực... để ứng phó với cơn bão số 9 sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!