Cám cảnh khi người sống "ở cùng" người chết

Quỳnh Mai (VTV9)-Thứ sáu, ngày 11/12/2020 20:02 GMT+7

VTV.vn - Ở TP Hồ Chí Minh, người dân khổ sở khi sống trong khu vực nghĩa trang - nơi có đến hàng vạn ngôi mộ. Ô nhiễm, nguy hiểm là những gì họ đang phải đối mặt.

Nơi người sống ở cùng người chết

Hàng xóm là những người đã qua đời, nhà kế bên là những ngôi mộ. Đây là thực trạng phổ biến tại một số quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh, đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam. Có những hộ dân sống trong nghĩa trang tới nửa thế kỷ, từ khi nghĩa trang còn thưa thớt, đến khi những ngôi mộ vây kín xung quanh nhà.

Cám cảnh khi người sống ở cùng người chết - Ảnh 1.

Chỉ cần mở cửa ra, trong vòng phạm vi 5m trở lại, trước mắt sẽ là hàng ngàn ngôi mộ lộ thiên. Đó là tình cảnh chung của khá nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay. Không chỉ đối diện, thậm chí nhiều ngôi mộ còn được đặt cạnh bên nhà dân, khoảng cách chưa tới nửa mét.

Đó là tình trạng phóng viên ghi nhận ở phường Bình Trưng Đông, Quận 2. Chỉ trong phạm vi di chuyển khoảng 1km trên địa bàn này, 2 - 3 nghĩa trang, quy mô từ vài trăm đến vài ngàn ngôi mộ nằm xen giữa khu dân cư.

Là một người dân đã sống ở đây gần 50 năm, cũng thường xuyên ra nghĩa trang phụ dọn dẹp, theo ông Nguyễn Văn Sự, việc nghĩa trang ở giữa khu dân cư thế này không có gì quá ảnh hưởng bởi đa phần các nghĩa trang này đều có trước khi các khu dân cư hình thành đông đúc như hiện nay, thi thoảng có đối tượng nghiện ma túy vào hút chích.

Không sợ, không có gì lo lắng cũng là tâm trạng của không ít người dân trên địa bàn phường Phước Long B, Quận 9 khi nói về những nghĩa địa làng nằm giữa khu dân cư với khoảng cách chưa tới 10m. Thậm chí, họ còn tận dụng mặt bằng trước nghĩa địa để kinh doanh, buôn bán.

Sống ở đây đã được 10 năm nhưng cảm giác sợ hãi mỗi khi mở cửa, nhìn về đối diện lại thấy mộ của những người đã khuất, vẫn luôn đeo bám bà Khuất Thị Thứ.

Dẫu biết rằng những ngôi mộ này đa phần do lịch sử để lại, với số năm tồn tại có thể lên đến hàng chục hoặc hơn thế nữa nhưng ước mơ về một ngày mà người chết và người sống không còn kề cận nhau; mỗi bên đều có được những quy hoạch phù hợp, những không gian riêng, luôn là điều mà không ít người dân hằng mong mỏi trong chục năm qua.

Mối nguy từ cuộc sống trong nghĩa trang

Bảo là sợ thì chắc ai cũng sợ, chẳng ai muốn ở chung với những ngôi mộ mà thỉnh thoảng khói hương lại nghi ngút, đêm về gió rít từng cơn chắc cũng khiến ai quen lắm cũng phải rùng mình, nhưng đất chật người đông, có được một chỗ ở ổn định đã là may mắn với nhiều người.

Tuy nhiên, người dân ở đây còn có những nỗi sợ khác, đó là nỗi sợ từ môi trường ô nhiễm và những tệ nạn xã hội xâm lấn đầy rẫy như ở chốn không người.

Cám cảnh khi người sống ở cùng người chết - Ảnh 2.

Rác bủa vây nghĩa trang ngay sát biển cấm.

Bảng cấm cả rác to, rõ, đặt ngay mặt tiền đường nhưng dưới chân nó lại là khung cảnh rác thải la liệt. Nhắc nhở cũng có, báo cáo lên phường, quận cũng không ít nhưng vì không có hàng rào ngăn cách, lối vào thì thoải mái, diện tích lớn, cây cối xum xuê nên không quá khó hiểu khi nhiều người thiếu ý thức lại chọn nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm nơi đổ rác "miễn phí" nhiều năm qua.

Camera quan sát được lắp đặt, thậm chí treo thưởng nếu người dân nào phát hiện được người đổ rác không đúng nơi quy định, vi phạm pháp luật nhưng theo bà Thứ, chuyện bắt được tận tay là điều khó khăn.

Rác từ nơi khác mang đến, cộng với nguồn nước vốn ô nhiễm sẵn đã khiến cho điều kiện sinh hoạt của những hộ dân nơi đây kém vệ sinh an toàn nghiêm trọng. Dù hiện nay, nước máy đã đến từng nhà, nhưng những người dân sống quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa vẫn không khỏi ám nh về một thời kỳ từng phải dùng nước giếng khoan.

Còn với ông Sáu Nết, nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất, lại đến từ những chiếc kim tiêm đã qua sử dụng bởi chỉ một bước chân sơ sẩy là có thể nhiễm đủ loại bệnh tật nguy hiểm.

Di chuyển chỗ ở trong điều kiện thu nhập thấp, nhà đất đắt đỏ là điều gần như không thể với những hộ dân đang sống ở đây. Thế nên, họ chỉ còn cách chờ những "người hàng xóm" bất đắc dĩ được di dời đến nơi khác.

Đất nghĩa trang đã dần cạn kiệt

Sự chờ đợi của người dân sống trong khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa không phải là không có căn cứ. Bởi từ năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời nghĩa trang này. Tuy nhiên, sau 10 năm, giai đoạn 1 của dự án này vẫn chưa hoàn thành khi mới chỉ có hơn 13.500 trong tổng số 54.000 ngôi mộ được di dời.

Trong khi đó, nhiều nghĩa trang được xây dựng mới làm phương án thay thế cũng nhanh chóng bị lấp đầy. Sự gia tăng dân số nhanh chóng không chỉ gây áp lực lên không gian sống, mà còn khiến cho việc tìm nơi an táng cho người đã khuất cũng rất khó khăn.

Cám cảnh khi người sống ở cùng người chết - Ảnh 3.

Nghĩa trang hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chôn cất.

Với diện tích trên 100ha, nghĩa trang chính sách Củ Chi hiện được xem là nghĩa trang lớn nhất TP Hồ Chí Minh, sức chứa lên đến 60.000 mộ phần. Hoạt động từ năm 2006 đến nay, hiện nơi đây đã chôn cất gần 8.000 người.

Tuy nhiên, hơn 50.000 mộ phần còn lại vẫn là con số quá nhỏ so với hơn 10 triệu dân và tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố mỗi năm lên đến 200.000 người. Chưa kể, đối tượng tiếp nhận của nghĩa trang này cũng giới hạn. Mặt khác, để cải thiện môi trường, cảnh quan, nơi đây được quy hoạch, xây dựng theo dạng công viên nghĩa trang, chứ không đơn thuần chỉ là một nơi chôn cất như trước đây.

Cám cảnh khi người sống ở cùng người chết - Ảnh 4.

Còn với những người không thuộc diện vào nghĩa trang chính sách, lựa chọn của thân nhân họ, đôi khi có thể chỉ là ở những nghĩa trang tư nhân với chi phí khá cao. Tuy vậy, chưa chắc có tiền thì sẽ còn chỗ, nhiều thân nhân đã buộc phải lựa chọn đất ở các tỉnh thành lân cận. Bởi hiện nay, dần cạn kiệt đất chôn không chỉ là nỗi niềm riêng của nghĩa trang nào, mà là nỗi niềm chung của cả TP Hồ Chí Minh.

Đất thì không thể nở ra, nhưng lượng người mỗi ngày lại nhiều thêm. Nếu không có những giải pháp quy hoạch tổng thể hợp lý, kịp thời, có thể trong tương lai, việc mai táng, chôn cất sẽ trở thành áp lực không hề nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, đô thị năng động nhất Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước