Cần thêm nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu

Tiến Anh, Đặng Công, Thanh Xuân-Thứ sáu, ngày 28/05/2021 21:03 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu do trái đất ấm lên đang diễn ra nhanh và khốc liệt hơn. Hơn ai hết, 20 triệu người ở vùng châu thổ ĐBSCL đang cảm nhận được rõ từng ngày.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 3/2021, Chính phủ đã nhất trí tiếp nhận khoản hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120.

Nếu chủ trương này sớm được thực hiện, cùng với nguồn vốn đầu tư công, các tỉnh ĐBSCL sẽ có thêm một nguồn lực nữa để xây dựng các công trình hạ tầng ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Cần thêm nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Mũi Cà Mau là nơi bị tác động trực tiếp của hiện tượng xói lở bờ biển và nước biển dâng. Sau khi có Nghị quyết 120, Chính phủ đã cấp vốn dự phòng hỗ trợ tỉnh xây dựng hơn 40 km kè. Công trình này vừa ngăn được sạt lở bờ biển, vừa tạo bãi bồi để phục hồi rừng.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 23 km đê bị sạt lở nghiêm trọng cần được đầu tư khẩn cấp. Kè đê biển Cà Mau hay siêu dự án ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang mới chỉ là các dự án được đầu tư cấp bách, do Nghị quyết 120 ra đời sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được thông qua.

Đây là lần đầu tiên vùng đồng bằng, nơi mà 1/5 dân số cả nước sinh sống, nơi đang bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và một phần của thế giới có chiến lược phát triển với triết lý "thuận thiên", để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu.

Cần thêm nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Nhưng muốn lối ra này trở thành hiện thực phải có tiền để xây dựng đường xá, công trình thủy lợi. Vì thế, ngoài hơn 380.000 tỷ đồng vốn đầu tư công dự kiến được dành cho 13 tỉnh, thành ở đây trong trong 5 năm tới, việc Nhà nước vay thêm khoảng 2 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức và Cơ quan Phát triển Pháp để thực hiện Nghị quyết 120 là quyết định sáng suốt với tầm nhìn dài hạn.

Biến đổi khí hậu do trái đất ấm lên đang diễn ra nhanh và khốc liệt hơn. Hơn ai hết, 20 triệu người ở vùng châu thổ này đang cảm nhận được rõ từng ngày. Vì thế, việc tăng cường đầu tư cho khu vực này bằng cả vốn trong nước và ODA là không thể chậm hơn nữa để giữ được đất, giữ được nước ngọt và giữ được người, trước khi quá muộn.

Cần thêm nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là bước đột phá về tư duy và có dấu ấn lịch sử. Từ đây, hơn 3 năm qua, nhiều dự án về giao thông đã được hình thành nhằm tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của cả vùng Đông và Tây Nam Bộ, với 19 tỉnh, thành. Trong đó có tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, tuyến đường bộ ven biển dài 700 km từ Kiên Giang đến Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ cùng một số cảng biển lớn. Giờ là lúc cần có những người dám nghĩ, dám làm và biết làm, trước hết là huy động và phân bổ vốn cho các dự án này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước