Lần đầu tiên sếu đầu đỏ không về ĐBSCL

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/01/2021 14:30 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên, sếu đầu đỏ đã không bay về, trú lại tìm thức ăn tại vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Sếu đầu đỏ, loài chim đặc biệt quý hiếm có giá trị lớn trong văn hóa đời sống tinh thần của người dân Á Đông, được xem là chỉ thị môi trường thiên nhiên trong lành. Vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long là Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) và Phú Mỹ (tỉnh Kiên Giang) là điểm lui tới trú ngụ thường xuyên của loài chim quí hiếm này từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Thế nhưng năm nay, lần đầu tiên nơi đây không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Theo các nhà khoa học và giới nghiên cứu về môi sinh, đây là biểu hiện của tình trạng môi trường trong vùng bị xấu đi.

Sếu đầu đỏ ăn cả rễ, củ cây, côn trùng nhưng thức ăn chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim mọc nhiều trên các đồng cỏ bàng. Mùa sếu đầu đỏ về là từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, tháng 3 là thời điểm sếu về Việt Nam nhiều nhất. Năm 2020, sếu đã không về như trước nữa.

Lần đầu tiên sếu đầu đỏ không về ĐBSCL - Ảnh 1.

Đàn sếu đầu đỏ

Theo các nhà khoa học, hoạt động khai hoang, lấn đất của con người đã thu hẹp sinh cảnh sống và hạn chế thức ăn của sếu. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với loài sếu đầu đỏ và dần đẩy chúng ra khỏi Việt Nam.

Vùng đồng cỏ ngập nước tự nhiên rộng lớn Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là nơi nước lũ hội tụ tạo nên quần thể sinh học đa dạng bậc nhất khu vực phía Tây Nam Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cả bàn tay con người tác động, những mảng rừng tràm, rừng phòng hộ vùng Tứ giác Long Xuyên đang chết dần. Mảng xanh của cỏ năn, cỏ bàng trong vùng cũng trở nên thưa thớt.

Hàng chục năm lặn lội nơi đồng cỏ, bước chân của những người tận tâm với sếu như chưa hề biết mỏi. Bởi họ biết, bảo vệ sếu cũng là bảo vệ sự đa dạng sinh học của vùng. Đáng buồn là đồng cỏ này từng là nơi có đàn sếu cả trăm con bay về, giờ không còn thấy tăm hơi đâu nữa.

Theo Hội Sếu quốc tế, quần thể sếu Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia đã suy giảm tới hơn 70% chỉ trong vòng 5 năm qua. Việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, chuỗi thức ăn tự nhiên của sếu không còn khiến sếu không có cơ hội tồn tại. Một khi đàn sếu đã bay đi thì cần rất nhiều nỗ lực để đưa chúng trở về.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước