Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị mà cha ông để lại được thể hiện rõ nhất qua những di sản văn hoá. Trong đó không thể thiếu làng cổ. Những ngôi làng đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn giữ vẹn nguyên những dấu tích cổ xưa. Nằm bên dòng sông Cầu, làng Thổ Hà xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những làng cổ hiếm hoi còn giữ được trong mình những nét văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc, đặc biệt là những kiến trúc cổ truyền của Việt Nam. Thế nhưng đối diện với cuộc sống hiện đại, để tiếp tục gìn giữ những ngôi nhà cổ, họ đã phải chịu không ít những thiệt thòi trong cuộc sống.
Làng Thổ Hà trước đây có khoảng 30-40 ngôi nhà cổ, tuy nhiên do nhu cầu của nhiều thế hệ trong gia đình nên các hộ dân đã sửa sang lại và hiện chỉ còn khoảng 9 căn nhà cổ giữ được nguyên trạng. Bên cạnh đó, câu chuyện đất chật cũng là nỗi khổ của người dân nơi đây. Ngõ nhỏ, sâu hun hút, 3,4 thế hệ sống cùng nhau dưới một mái nhà. Dân đông lên nhưng đất chỉ có vậy. Điều này mang lại những nỗi trăn trở cho người dân sinh sống tại đây.
Một trong những lý do khiến người dân làng Thổ Hà nỗ lực mỗi ngày để bảo tồn nhà cổ đó là mong đến một ngày được xếp hạng di tích. Thế nhưng đến nay, làng Thổ Hà vẫn chưa nhận được quyết định xếp hạng di tích để chính thức được công nhận là làng cổ.
Hiện nay, trong số 3.500 di tích quốc gia, chỉ có 4 ngôi làng được công nhận là làng cổ đó là làng Phước Tích ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, làng Đông Hòa Hiệp ở tỉnh Tiền Giang, làng Đường Lâm ở TP Hà Nội và làng Lộc Yên ở tỉnh Quảng Nam. Việt Nam có nhiều ngôi làng cổ khác tuy rất có giá trị về nhiều mặt nhưng đang dần bị biến mất, nếu còn cũng bị mai một do đô thị hóa.
Theo khảo sát của Viện Bảo tồn di tích, tốc độ biến dạng, thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội đặc biệt nhanh chóng trong khoảng 10 năm gần đây. Nhiều ngôi làng chỉ 3 năm trước đến 3 năm sau đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất. Làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội không nằm ngoài con số này, nhiều nhà cổ bị phá, nhiều di tích di chỉ gắn với làng bị biến mất hoặc làm thay đổi hình dạng.
Tiền tu sửa không có, người dân thì loay hoay chả biết giữ hay bỏ. Câu chuyện đã cả chục năm nay nhưng đến khi kể lại thì chẳng còn được mấy nhà. Ở làng Cự Đà ngày nay, những ngôi nhà cổ chỉ còn khoảng hơn chục cái. 10 năm trước, khi số nhà cổ lên tới cả trăm thì người dân cũng chẳng dám làm hồ sơ xếp hạng di tích.
Làng cổ là di sản "sống" nên việc bảo tồn, phát huy giá trị không thể tách rời với việc bảo đảm lợi ích người dân sinh sống trong đó. Vấn đề phát sinh vướng mắc mà vấp phải trong bảo tồn làng cổ vừa qua cũng vì chưa đặt con người - chủ nhân của di sản làm trung tâm của bảo tồn.
Trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng lại mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, trớ trêu thay, nhiều ngôi làng cổ còn nguyên đặc trưng lại chưa được chú ý đúng mức; các di sản kiến trúc trong làng có nguy cơ đang dần bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa.
Hà Nội là một trong những địa phương có bề dày về lịch sử ở nước ta. Thế nhưng, nhiều ngôi làng cũng đang mất dần giá trị do sự biến đổi về phương thức canh tác, lối sống đã làm thay đổi cả vật chất và tinh thần của các làng. Nhiều làng chỉ còn có ý nghĩa của cái tên vì trên thực tế nó đã thay đổi rất nhiều. Lúc này, việc xếp hạng di tích được coi là cách thức phù hợp nhất để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ làng cổ.
Tuy nhiên, hiện Hà Nội có duy nhất làng cổ Ðường Lâm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, còn lại hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ, trong đó có những làng nổi tiếng như làng Ðông Ngạc quận Bắc Từ Liêm, làng Cự Ðà huyện Thanh Oai, làng Bát Tràng huyện Gia Lâm… Mỗi làng đều có những đặc thù riêng, lưu giữ hình ảnh quá khứ đẹp đẽ và giá trị nhưng đang phải chịu áp lực nhiều mặt về sự phát triển dân số, kinh tế, cơ cấu dân cư, lối sống... Bởi vậy, chúng có nguy cơ rất lớn bị phá vỡ cấu trúc không gian làng truyền thống, làm cho quỹ di sản văn hóa Hà Nội bị vơi cạn.
Xã hội phát triển thì việc bảo tồn di tích cũng cần phải gắn liền với lợi ích người dân. Bài toán con người là một bài toán khó của các địa phương khi dân số ngày một tăng. Việc phát triển du lịch làng cổ đang được đẩy mạnh với mong muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân địa phương, tạo công ăn việc làm cho họ từ đó đời sống cũng dần cải thiện.
Nhà nước có thể bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức nhưng sẽ không thành công nếu không được cả cộng đồng chung tay. Cho nên, phát triển du lịch cần phải gắn với sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của chính người dân bản địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!